Multimedia Đọc Báo in

Vốn Ngân hàng chính sách xã hội: Kênh thoát nghèo hiệu quả ở huyện vùng biên Ea Súp

15:42, 11/01/2017

Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những "kênh vốn" chủ đạo của người dân huyện Ea Súp.

Chị Hoàng Thị Đẹp (thôn 5A, xã Cư Kbang) vào Ea Súp lập nghiệp từ năm 1997. Với hai bàn tay trắng, con nhỏ dại nên đời sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Với nỗ lực của mình, vợ chồng chị khai hoang được 2,5 ha đất, nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên nghèo đói vẫn cứ đeo đẳng gia đình chị. Đến năm 2010, thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình chị được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này, anh chị mua được một con trâu và đầu tư thêm vào trồng lúa nương. Nhờ đó, đến nay gia đình chị Đẹp đã có thêm được 4 con trâu, vừa lấy sức kéo, vừa cho sinh sản. Chị Đẹp chia sẻ, nhờ có vốn vay từ NHCSXH mà cuộc sống của gia đình chị đã được cải thiện, không còn đói nghèo như trước. Trong thời gian tới, anh chị sẽ tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.

Cán bộ NHCSXH huyện Ea Súp kiểm tra  hiệu quả  vốn vay  tại một  hộ dân  trên địa bàn.
Cán bộ NHCSXH huyện Ea Súp kiểm tra hiệu quả vốn vay tại một hộ dân trên địa bàn.

Cùng ở thôn 5A, xã Cư Kbang, gia đình chị Hoàng Thị Mỳ cũng là một trong những hộ điển hình đi từ hai bàn tay trắng, thoát được đói nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH. Chị Mỳ cho rằng, vay vốn chính sách không chỉ đơn thuần có được nguồn tiền để đầu tư, mà nhờ sự sâu sát, chia sẻ về kinh nghiệm, khuyến nông, kỹ thuật… của các tổ chức đoàn thể và cán bộ NHCSXH tại địa phương nên bà con đã phát huy tốt số tiền vay. Những hộ như gia đình chị Đẹp, chị Mỳ không phải là hiếm mà đang trở nên phổ biến ở Ea Súp.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Ea Súp Bùi Văn Trung cho biết, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với bà con nghèo nên đơn vị luôn chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình có nhu cầu vay trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 250 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo gần 107 tỷ đồng, với 5.857 hộ vay; cho vay học sinh, sinh viên gần 22 tỷ đồng (1.028 hộ) cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường trên 29 tỷ đồng (3.054 hộ); cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn gần 4 tỷ đồng (552 hộ)… Điều quan trọng là vốn vay đã được bà con phát huy rất tốt nên nợ xấu trong toàn huyện chỉ còn trên 1,3 tỷ đồng, chiếm 0,54% tổng dư nợ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Bun Thó Lào cho rằng, với một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lên đến 52,81% (theo chuẩn nghèo đa chiều), thì nguồn vốn từ NHCSXH là rất quan trọng. Đặc biệt, công tác ủy thác, phối hợp giữa ngân hàng này với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đang được triển khai khá hiệu quả. Đây là phương pháp quản lý tín dụng đặc thù, vừa giúp ngân hàng xác định đúng đối tượng chính sách, vừa bảo đảm tính minh bạch, công khai, giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng và thời gian, chi phí đi lại của người dân. Với cơ chế này, khi vay vốn từ NHCSXH, người dân nghèo không chỉ được vay với lãi suất thấp mà còn được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt mà không ngân hàng thương mại nào có được.

Tuy nhiên, qua thực tế tại địa phương, ghi nhận ý kiến của cả ngân hàng và người vay vốn thì nhu cầu cho vay để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ gia đình vẫn chưa được đáp ứng kịp, việc bổ sung hằng năm rất hạn chế. Cùng với đó, việc cho vay của một số kênh quản lý chưa thông thoáng nên khó khăn cho việc giải ngân, trong khi nhu cầu của người dân rất cấp bách. Do vậy, Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho vay vốn để khắc phục những điểm bất cập hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.