Multimedia Đọc Báo in

Lập bộ thuế hộ kinh doanh: Làm sao để tránh áp đặt?

09:28, 09/01/2018

Để quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, ngành Thuế tỉnh đang tiến hành lập bộ thuế khoán đối với các hộ kinh doanh (HKD) trên địa bàn.

Theo nguyên tắc, HKD có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm được áp dụng mức thu 1 triệu đồng/năm; hộ có doanh thu trên 300-500 triệu đồng/năm là 500 nghìn đồng/năm; hộ có doanh thu trên 100-300 triệu đồng/năm sẽ nộp 300 nghìn đồng/năm. Các đối tượng, trường hợp được miễn lệ phí môn bài gồm hộ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống; HKD không thường xuyên khai thuế theo từng lần phát sinh; hộ không có địa điểm kinh doanh cố định... Đối với HKD mới ra kinh doanh trong thời gian của 6 tháng đầu năm 2018 thì nộp theo mức lệ phí môn bài cả năm; nếu ra kinh doanh trong thời gian của 6 tháng cuối năm 2018 thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Cán bộ Chi cục Thuế Krông Pắc kiểm tra một HKD trên địa bàn.
Cán bộ Chi cục Thuế Krông Pắc kiểm tra một HKD trên địa bàn.

Để minh bạch các thông tin về mức thuế thu, cơ quan thuế sẽ tiến hành công khai thông tin HKD nộp thuế khoán 2 lần tại bộ phận một cửa các chi cục thuế, ban quản lý chợ, UBND các xã, phường và gửi trực tiếp đến HKD bắt đầu từ ngày 20-12-2017 và 20-1-2018, bao gồm danh sách HKD thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; danh sách HKD thuộc diện phải nộp thuế; danh sách HKD sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế; bảng công khai thông tin HKD nộp thuế theo phương pháp khoán để người nộp thuế kịp thời theo dõi và phản ánh. Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía HKD thông qua đường dây nóng hay gửi văn bản đến cơ quan thuế các cấp về những vướng mắc hay bất cập về doanh thu, mức thuế khoán của từng hộ, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Lý thuyết là vậy, nhưng căn cứ vào dự toán được giao và tình hình thực tế, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu lập bộ thuế khoán năm 2018 đến tất cả các chi cục thuế là phải tăng tối thiểu 20% số HKD so với số thuế lập bộ ổn định đầu năm 2017. Cùng với đó, theo tiêu chí về lập bộ thuế khoán, đối với các HKD có sử dụng hóa đơn, nếu trường hợp HKD xác định mức doanh thu không phù hợp, cơ quan thuế sẽ tham vấn hội đồng tư vấn thuế xã/phường/thị trấn và căn cứ mức độ kinh doanh, quy mô doanh thu của các HKD trên cùng địa bàn có cùng điều kiện, quy mô kinh doanh để xác định doanh thu và "áp" mức thuế khoán phù hợp. Như vậy, việc kê khai thuế và xác định doanh thu trước hết dựa vào sự tự giác của người nộp thuế, chỉ khi việc kê khai và xác định doanh thu không phù hợp với thực tế thì ngành Thuế sẽ buộc phải kiểm tra và áp đặt mức thuế phải nộp. Với quy trình như vậy, nhiều người nộp thuế cho rằng, nếu không thực hiện chặt chẽ, công tâm sẽ gây khó khăn rất lớn cho người nộp thuế. Bởi, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, hội đồng tư vấn thuế và ngành Thuế chắc chắn sẽ có xu hướng áp đặt cao hơn mức độ kinh doanh, quy mô doanh thu thực tế của các HKD. Bà Nguyễn Thị Đào, chủ HKD tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, bà đồng tình với chủ trương tăng trưởng của địa phương và ngành Thuế, nhưng việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát tại địa phương đang ngày càng khó khăn do bị cạnh tranh khốc liệt, vậy mà từ hai năm nay, gia đình bà đã phải tăng số thuế phải nộp. Cùng quan điểm trên, bà Lê Thanh Thủy, chủ một HKD tại chợ Hòa Hiệp (Cư Kuin) cho biết, việc kinh doanh ngày càng khó khăn do sức mua yếu và chịu sự cạnh tranh của các HKD cùng ngành hàng mới xuất hiện khiến doanh thu thực tế giảm dần, nên nếu cứ áp đặt tăng số thuế phải nộp, bà sẽ buộc phải chuyển hướng làm ăn.

Thiết nghĩ, để việc tăng trưởng nguồn thu phù hợp với thực tiễn, các hội đồng tư vấn thuế xã/phường/thị trấn và ngành Thuế cần có biện pháp căn cơ để xác định mức độ kinh doanh, quy mô doanh thu của các HKD nhằm vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa phù hợp với tình hình thực tế. Quan trọng nhất là làm thế nào để người nộp thuế cảm thấy không bị áp đặt khi thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách Nhà nước. 

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.