Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc nỗ lực củng cố kinh tế tập thể

09:19, 05/09/2018

Là một trong những thành phần kinh tế quan trọng góp phần nâng cao đời sống cư dân nông thôn nên những năm qua, huyện Krông Pắc luôn chú trọng việc củng cố kinh tế tập thể.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, toàn huyện hiện có 57 tổ chức kinh tế tập thể, trong đó 37 hợp tác xã (HTX) và Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, 20 HTX ngừng hoạt động. Phân loại theo lĩnh vực hoạt động có 17 HTX dịch vụ nông nghiệp, 19 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 1 HTX giao thông vận tải, 13 HTX xây dựng, 4 HTX thương mại - dịch vụ, 3 Quỹ tín dụng nhân dân.

Xã viên Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp dịch vụ Thăng Tiến, xã Hòa An chăm sóc vườn cà phê tái canh.
Xã viên Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp dịch vụ Thăng Tiến, xã Hòa An chăm sóc vườn cà phê tái canh.

Để củng cố vai trò của kinh tế tập thể, việc giải thể các HTX ngừng hoạt động đang được chính quyền địa phương tập trung triển khai. Theo đó, năm 2017 toàn huyện đã hoàn tất giải thể 9 HTX ngưng hoạt động, kế hoạch năm 2018 giải thể 10 HTX. Hiện tại, địa phương đã giải thể được 2 HTX (HTX Xây dựng Thành Công, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Tiến), 8 HTX đang hoàn chỉnh thủ tục giải thể (giải thể bắt buộc 2 HTX, giải thể tự nguyện 6 HTX). Ngoài ra còn có 5 HTX đã nộp hồ sơ xin giải thể, nhưng đã bị thất lạc con dấu, giấy cấp mẫu dấu; 7 HTX còn lại chưa lập thủ tục xin giải thể. Ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, giải thể các HTX tồn tại hình thức là việc buộc phải làm để củng cố diện mạo kinh tế tập thể, nhưng rất khó thực hiện do đa số các HTX ngừng hoạt động đã lâu, hầu hết đều không có kinh phí để thực hiện thủ tục giải thể theo quy định, vướng các khoản nợ xã viên, chi phí điện, nước, thuế, thất lạc hồ sơ, chứng từ… Để giải thể hết số lượng HTX đang tồn tại hình thức trên địa bàn huyện thì địa phương rất cần sự hỗ trợ hợp tác của các bên liên quan để cùng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ xã viên…

Hiện tại, toàn huyện Krông Pắc có 18 Tổ hợp tác, trong đó 11 Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, 7 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, việc giải thể các HTX hoạt động hình thức là việc làm rất khó. Do đó, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc mà các HTX đang hoạt động trên địa bàn gặp phải để tháo gỡ kịp thời là việc làm cấp thiết không chỉ giúp các HTX đó hoạt động có hiệu quả mà điều quan trọng là thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Theo đánh giá, điểm bất cập, khó khăn cần tháo gỡ nhất hiện nay đối với HTX là vấn đề nguồn vốn và nhân lực.

Cụ thể, đa số cán bộ quản lý HTX hiện nay chưa được đào tạo nghiệp vụ quản trị, điều hành bài bản theo đúng chuyên ngành mà quản lý hoạt động của HTX theo kinh nghiệm tích lũy được qua thời gian lãnh đạo. Trong khi đó điều kiện sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập hiện nay có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đòi hỏi sự nhanh nhạy của người đứng đầu tổ chức kinh tế tập thể. Mặt khác, hầu hết các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của biến đổi khí hậu cũng như giá cả thị trường nên còn lúng túng trong việc tìm kiếm đầu ra. Ngoài ra, bản thân các HTX có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn, vốn góp của các xã viên ở mức thấp, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên việc đầu tư máy móc, công nghệ rất hạn chế dẫn đến sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trên thị trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Ea Kmat, xã Hòa Đông gắn phát triển kinh tế với giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc.
Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Ea Kmat, xã Hòa Đông gắn phát triển kinh tế với giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, huyện Krông Pắc sẽ lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)… để thành lập mới các Tổ hợp tác, HTX ở xã Tân Tiến, Hòa Tiến, Ea Yông, Ea Phê; hỗ trợ nguồn lực cho các HTX đang hoạt động nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ cũng như tìm kiếm thị trường mới để hoạt động hiệu quả hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.