Multimedia Đọc Báo in

Xuân sớm trên các làng nghề

08:36, 31/01/2019

Đã thành thông lệ, cứ vào độ cuối năm, người dân ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lại tất bật, nhộn nhịp tập trung sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, điểm tô thêm hương vị mùa xuân cho mọi nhà.

Mang sắc xuân đến mọi nhà

Với thương hiệu làng nghề trồng hoa, cây cảnh được biết đến từ nhiều năm nay, người trồng hoa, cây cảnh ở xã Hòa Thắng tất bật chăm chút những luống hoa, chậu bonsai, cây mai, quất cảnh… để đáp ứng nhu cầu vui Tết của mọi nhà.

Đến thăm vườn hoa cây cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Diệp Hà (Nhà vườn Tuấn Hà, thôn 4) mới thấy không khí Xuân ngập tràn qua những chậu quất cảnh đã ngả sang màu vàng và vườn hoa hồng ngoại rực rỡ đủ sắc màu. Khác với mọi năm, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên Nhà vườn Tuấn Hà không tập trung vào trồng và chăm sóc cây mai như những năm trước mà chủ yếu là trồng quất và hoa hồng cảnh. Ngoài 100 chậu mai còn lại từ năm trước, nhà vườn đã chuẩn bị 1.500 chậu quất, gần 10.000 chậu hoa hồng các loại để cung cấp cho thị trường Tết. Theo chị Hà, gần đây, thú chơi hoa hồng cảnh phát triển mạnh, trong đó chủ yếu là giống hồng leo và hồng ngoại. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, năm nay nhà vườn tập trung vào việc nhân giống, ghép cành để tạo nên những chậu hoa hồng cảnh với mức giá trung bình từ 200 - 500 nghìn đồng/chậu, có chậu lên đến cả triệu đồng.

Chị Lê Thị Thanh Nguyệt (xã Hòa Thắng) chăm sóc vườn hoa cúc.
Chị Lê Thị Thanh Nguyệt (xã Hòa Thắng) chăm sóc vườn hoa cúc.

Không chỉ phát triển mạnh về cây cảnh, người dân xã Hòa Thắng còn nhân rộng mô hình trồng hoa. Bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch, các hộ trồng hoa đã xuống giống với nhiều loại hoa, trong đó chủ yếu là hoa cúc. Chị Lê Thị Thanh Nguyệt (thôn 8) chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3 sào đất trồng hoa. Vụ hoa Tết năm nay, tôi đã xuống giống các loại hoa cúc như họa mi, mâm xôi, đồng tiền, đại đóa… Thị trường hiện nay rất ổn định nên tôi không lo lắng việc tìm đầu ra mà tập trung vào chăm sóc, bón phân, tỉa nụ với hy vọng một vụ mùa bội thu”. Năm nay gia đình chị Nguyệt còn thử nghiệm ươm hoa vào chậu để phục vụ thị trường Tết.

Được biết, trên địa bàn xã Hòa Thắng hiện có khoảng 100 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích trên 15 ha, tập trung chủ yếu ở thôn 1, 4, 8 và 9. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nhiều hộ trồng cây cảnh còn xuất ra các tỉnh, thành khác.

Làng nghề miến phấn khởi vào vụ Tết

Cũng như những làng nghề khác, làng miến ở giáo xứ Chi Lăng (phường Khánh Xuân) dịp cuối năm trở nên bận rộn, hối hả để chuẩn bị hàng Tết. Công việc của người sản xuất miến thường bắt đầu từ khi trời vừa tờ mờ sáng để kịp ra thành phẩm và phơi khi trời vừa hửng nắng. Quá trình phơi phải canh cho đủ nắng thì sợi miến mới có độ giòn, dai, không bị ẩm, mốc.

 
“Với những người làm nghề như chúng tôi, dịp Tết đến Xuân về là điều mong đợi nhất trong năm, bởi đó là thời điểm sản xuất, kinh doanh chạy nhất. Chính sự đón nhận, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi là động lực để chúng tôi tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề”.
 
Anh TRẦN NGỌC LƯƠNG (phường Khánh Xuân) chia sẻ

Thăm nhà chị Cao Thế Trần Hiệp, chứng kiến các công đoạn làm miến dong mới thấy được sự cầu kỳ, tỉ mẩn bởi các khâu làm đều là thủ công và phụ thuộc vào thời tiết. Đầu tiên là chọn nguyên liệu, tiếp đến lọc bột phải qua 5 - 7 lần để đạt độ trắng cần thiết; công đoạn trộn phải thật đều, sánh mới tạo được độ bóng,  không bị vón cục; khâu tráng bánh phải đều tay, căn lượng bột và thời gian hấp vừa đủ rồi mới đem đi phơi. Được biết, vào dịp Tết, trung bình mỗi ngày gia đình chị bán ra thị trường khoảng 90 kg miến dong. Do đó, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, chị phải thuê thêm lao động mới có thể đáp ứng đủ các đơn hàng đặt mua. 

Với hộ anh Trần Ngọc Lương, gần 20 năm gắn bó với nghề nên anh hiểu mỗi khi Tết đến, Xuân về những người làm nghề rất phấn khởi, bởi đây là thời điểm bán được nhiều nhất trong năm. Nếu những ngày thường, mỗi ngày anh chỉ sản xuất khoảng 1 tạ miến gạo thì đến Tết tăng lên gấp đôi. Do đó, từ cuối tháng 10 âm lịch, gia đình anh đã bắt đầu tập trung sản xuất để trữ hàng Tết. 

Anh Trần Ngọc Lương (bên trái) phơi miến phục vụ thị trường Tết.
Anh Trần Ngọc Lương (bên trái) phơi miến phục vụ thị trường Tết.

Theo anh Phạm Văn Tiến, cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân, nghề làm miến ở đây xuất hiện từ những năm sau giải phóng, do một số hộ ở các tỉnh, thành phía Bắc đưa vào. Ban đầu các hộ sản xuất thủ công nhỏ lẻ phục vụ trong gia đình, đến khoảng năm 2000 mới bắt đầu phát triển mạnh và mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành khác. Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 50 hộ làm nghề miến; địa phương cũng đang hoàn thiện các thủ tục thành lập tổ liên kết sản xuất để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này.

Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, công việc của người dân ở các làng nghề càng bận bịu, vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi, bởi đây là mùa cao điểm, tăng thêm nguồn thu nhập. Với họ, khi việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nghĩa là một mùa Xuân ấm áp, Tết sung túc, đầm ấm đang đến mọi nhà.

Tam Giang

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.