Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

09:20, 03/12/2019

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN cũng như tạo điều kiện tham gia kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân. Ở  tỉnh ta, việc sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc tỉnh quản lý thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Đảm bảo lộ trình

Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, việc cổ phần hóa (CPH) 2 DN là Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk và Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk (theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 và Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020) đến nay đã hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch và đi vào hoạt động (từ tháng 7-2019).

Đồng thời, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 25 công ty nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17-12-2014 của Chính phủ) đến nay, tỉnh đã cổ phần hóa 4/6 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; chuyển đổi xong 8/9 công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên; giải thể 3 công ty (gồm các Công ty TNHH MTV: Cà phê Buôn Ma Thuột; Dray H’ling và Cà phê - Ca cao Krông Ana); UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu.

Riêng với việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty thuộc diện duy trì, củng cố phát triển và tái cơ cấu công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (gồm 6 công ty TNHH MTV lâm nghiệp: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả và Ea Wy) đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ giữ nguyên mô hình 100% vốn nhà nước.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông hướng dẫn người dân chăm sóc rừng trồng.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông hướng dẫn người dân chăm sóc rừng trồng.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đã chủ động và có kế hoạch triển khai cụ thể, kịp thời. Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra được thực hiện thường xuyên nên đến nay công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ và yêu cầu theo quy định của Trung ương.

Cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thời gian qua, mặc dù các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp, đổi mới DNNN do tỉnh quản lý, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Lam, một vướng mắc không nhỏ trong thực hiện sắp xếp, đổi mới DNNN là một số công ty (chủ yếu là công ty lâm nghiệp) quản lý, sử dụng đất chưa chặt chẽ, đất của DN bị người dân xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp. Toàn tỉnh có 15 công ty lâm nghiệp quản lý trên 195.193 ha rừng, đất lâm nghiệp, trung bình mỗi công ty quản lý khoảng 13.500 ha, mỗi nhân viên quản lý, bảo vệ khoảng 1.000 ha đất, trong khi đó việc sản xuất kinh doanh của các công ty gặp nhiều khó khăn, số lượng dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk lại lớn (khoảng hơn 59.700 hộ với 290.680 khẩu) đã trở thành một gánh nặng.

Bên cạnh đó, các công ty nông, lâm nghiệp chưa thống nhất được diện tích đất giao về địa phương quản lý nên chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, điển hình như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn, do phương án sử dụng đất điều chỉnh nhiều lần chưa xong nên việc chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Công nhân Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk vệ sinh cống thoát nước sau mưa lớn.
Công nhân Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk vệ sinh cống thoát nước sau mưa lớn.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ, trong quá trình xây dựng phương án CPH ở Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 thì số lượng cổ phần tương ứng với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN lại không đủ bán ưu đãi cho người lao động nên đã làm cho tiến độ CPH kéo dài. Trong khi đó, 3 công ty thuộc diện giải thể đang chậm trễ do đối chiếu, thu hồi nợ chậm. Ngoài ra, áp lực về công nợ cũng khiến cho việc sắp xếp, đổi mới DNNN gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 15-8-2019, dư nợ của 25 công ty nông – lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới tại các ngân hàng thương mại là trên 452.901 triệu đồng, trong đó, dư nợ ngắn hạn là 224.354 triệu đồng, chiếm 49,54%; dư nợ trung và dài hạn là 228.547 triệu đồng, chiếm 50,46%.

Tại phiên họp giải trình về sắp xếp, đổi mới DNNN mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh công tác CPH, sắp xếp DNNN, đồng thời thường xuyên theo dõi, giúp DN định hướng hoạt động, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý sử dụng vốn nhà nước… phấn đấu hoàn thành kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào hồi tháng 8-2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh đã đề xuất với UBND tỉnh Đắk Lắk một số giải pháp để phối hợp hỗ trợ DN phát triển trong thời gian tới, trong đó cần sớm phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định và kịp thời xử lý các trường hợp xâm chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.