Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nước thải tại khu, cụm công nghiệp: Khó thực hiện mục tiêu

09:01, 14/01/2020

Các cụm công nghiệp (CCN) đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường cho CCN trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập khiến việc hoàn thành mục tiêu đặt ra trở nên khó khăn.

Còn nhiều bất cập

CCN Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) đi vào hoạt động năm 2003, với diện tích 48,5 ha (trong đó, đất sản xuất công nghiệp 30 ha, còn lại đất xây dựng hạ tầng). Còn CCN Tân An 2 hoạt động từ năm 2010, diện tích quy hoạch hơn 65 ha (đất sản xuất công nghiệp 46 ha).

Cả hai CCN được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh đầu tư theo hình thức đầu tư - kinh doanh. Hiện tỷ lệ lấp đầy hai CCN này đạt 100%, các dự án đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, CCN Tân An 1 và Tân An 2 có 74 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 53 dự án đang hoạt động.

Để giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, năm 2012, Dự án hệ thống xử lý nước thải CCN Tân An được phê duyệt và đưa vào xây dựng với số vốn 37 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư.

Đầu năm 2013, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị thi công tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải trên diện tích gần 1.000 m2, nằm ở cuối CCN, tiếp giáp với huyện Cư M’gar. Trạm xử lý có tổng công suất thiết kế 1.500 m3/ngày, trước mắt sau khi hoàn thành sẽ vận hành với công suất 800 m3/ngày.

Theo đúng tiến độ thì tháng 8-2014 dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, song đến nay trạm này vẫn trong tình trạng dở dang vì đang “tạm ngừng xây dựng”.

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: T. Hồng
Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: T. Hồng

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Khu công nghiệp và 7 CCN đã hoạt động ổn định. Trong đó, chỉ có Khu công nghiệp Hòa Phú đã xây dựng được trạm xử lý nước thải, 1 CCN (Tân An 1,2) đang đầu tư xây dựng, các CCN còn lại đều chưa được đầu tư. Việc chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường cho các CCN nêu trên, ngoài nguyên nhân thiếu nguồn lực và vướng mắc về thủ tục còn do một số  có quy mô nhỏ nên chưa được quan tâm đầu tư.

Khó đạt mục tiêu

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, mục tiêu đến năm 2020, 100% khu, CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ khu, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới chỉ đạt 11,1% (kế hoạch năm 2019 là 20%) và ước thực hiện đến năm 2020 chỉ đạt 22,22%, một khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu đề ra.

 
“Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến ở các CCN trên địa bàn tỉnh đều xử lý nước thải bằng cách vận chuyển đến hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Tuy nhiên, cách này chỉ giải quyết được cho các nhà máy ở gần, còn ở xa thì vẫn tự xử lý…”.
 
Giám đốc Sở Công thương Phạm Thái

Giám đốc Sở Công thương Phạm Thái cho biết, để nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả phát triển CCN, ngày 25-5-2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý CCN, Nghị định 68/2017/NĐ-CP đã bổ sung thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN; phân định rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; quy định giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư vào CCN theo nguyên tắc đầu mối và cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số nội dung của Nghị định, các địa phương, trong đó có Đắk Lắk đang gặp nhiều vướng mắc như: Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển CCN nay không còn phù hợp với Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ năm 2019; việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng CCN khi có nhiều doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư cần được hướng dẫn cụ thể hơn; việc thành lập Ban quản lý CCN cấp huyện đối với các CCN không có doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng trong giai đoạn hiện nay gặp khó khăn; việc chuyển giao chủ đầu tư hạ tầng CCN có vốn đầu tư từ ngân sách sang doanh nghiệp quản lý cần có hướng dẫn để các địa phương thực hiện…

Các CCN trên địa bàn tỉnh đều chưa xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải (Trong ảnh: Hạ tầng CCN Cư Kuin).
Các CCN trên địa bàn tỉnh đều chưa xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải (Trong ảnh: Hạ tầng CCN Cư Kuin).

Hiện nay Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá 1 năm thực hiện Nghị định, trong đó đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 68/2017/NĐ-CP trong năm 2019 cho phù hợp Luật Quy hoạch và yêu cầu quản lý CCN hiện nay. Vừa qua, Sở Công thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư hạ tầng CCN.

Tuy nhiên, do Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 68/2017/NĐ-CP nên các địa phương trong tỉnh chưa thể ban hành Nghị quyết cũng như chưa có quy chế, phương thức để quản lý CCN và đầu tư, hoàn thiện các hạ tầng tại CCN.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn nói chung và hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của các CCN nói riêng khó thực hiện được như chỉ tiêu đề ra.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.