Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân sản xuất giỏi ở Cư Kuin

08:59, 27/02/2020

Hội Nông dân huyện Cư Kuin hiện có 8 cơ sở hội, 113 chi hội với 24.000 hội viên. Để thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm Hội đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký tham gia phong trào; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, những điển hình tiên tiến để hội viên học hỏi áp dụng...

Trong năm 2019, các cấp Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 103 tỷ đồng; xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 5,2 tỷ đồng cho hội viên vay vốn. Đồng thời, tín chấp cho nông dân trả chậm hơn 400 tấn phân bón các loại; phối hợp tổ chức 23 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân… Năm 2019, toàn huyện có 8.000 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, có 41 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả với thu nhập ổn định từ 300 - 500 triệu đồng/năm, 12 mô hình có thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Anh Toản chăm sóc vườn cây ăn quả.
Anh Toản chăm sóc vườn cây ăn quả.

Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Trần Quốc Toản (ở thôn 1C, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin). Năm 1988, anh Toản từ quê hương Hà Tĩnh vào lập nghiệp và gặp nhiều khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Năm 2001, với số tích lũy và vay mượn của bạn bè, anh mua 2 ha đất trồng cà phê. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh nên vườn cây của gia đình anh Toản luôn xanh tốt, cho năng suất cao. Với nguồn thu nhập từ cà phê, anh quyết định mua thêm đất, mở rộng sản xuất. Gia đình anh có 5 ha rừng, 2 ha cà phê, 2 ha cà phê xen hồ tiêu, 1 ha ao cá nuôi các loại cá trôi, trắm, chép, rô phi. Năm 2014, anh quyết định chuyển đổi 2 ha cà phê già cỗi sang trồng 2.000 cây quýt, 200 cây dừa xanh lùn, 40 cây xoài, 50 cây vú sữa. Riêng 2.000 cây quýt, năm 2019 gia đình anh thu về gần 40 tấn quả, thương lái đến thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, anh còn nuôi 4 con heo nái và 40 con heo thịt... Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh mang lại nguồn thu gần 700 triệu đồng.

Gia đình anh Lê Văn Vẹn (ở thôn 5, xã Ea Hu) cũng là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi vịt ấp trứng. Năm 2008, anh Vẹn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại rộng 6.000 m2 và 4 lò ấp trứng tự động. Trang trại được anh sắp xếp, quy hoạch khéo léo, khoa học; bố trí cạnh hồ đập để vịt bơi lội tắm táp, khu chuồng trại được xây trải dài bao quanh tạo sự thoáng mát, sạch sẽ. Lò ấp trứng được xây tách biệt với khu chuồng trại để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho con giống. Hiện nay gia đình anh nuôi gần 13.000 con vịt đẻ, mỗi ngày đàn vịt trong trang trại của anh đều đặn cho gần 12.000 quả trứng. Sau khi thu, trứng được chọn lựa kỹ càng và đưa ngay vào lò ấp. Trứng ấp bằng lò ấp tự động luôn đạt tỷ lệ từ 90 - 95%. Với 4 lò ấp trứng, hiện nay mỗi tháng anh cho ra lò khoảng 36.000 vịt con một ngày tuổi, được thương lái tới tận nơi thu mua.

Anh Vẹn kiểm tra vịt giống trước khi xuất bán.
Anh Vẹn kiểm tra vịt giống trước khi xuất bán.

Ngoài nuôi vịt ấp trứng anh Vẹn còn canh tác 1 ha cà phê; mỗi năm từ chăn nuôi và trồng trọt gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh còn tạo việc làm cho 2 lao động tại địa phương với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng. Cơ sở chăn nuôi vịt ấp trứng Tý Tâm của gia đình anh là 1 trong 2 cơ sở trên địa bàn huyện Cư Kuin được Bộ NN-PTNT cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vì sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.