Multimedia Đọc Báo in

Bình tĩnh phòng chống dịch Covid-19

08:36, 18/03/2020

Những ngày qua, khi dịch Covid-19 trong cả nước diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều người dân Đắk Lắk không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, vẫn có những người dân giữ bình tĩnh, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống và thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Từ khi có thông tin thêm các ca bệnh Covid-19 xuất hiện, gia đình chị Phạm Thị Trúc Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kỹ hơn. Đối với con nhỏ trong nhà, chị lưu ý các con luôn luôn vệ sinh tay chân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc, tụ tập ở chỗ đông người… Theo chị Ngân, do thường xuyên nhận được thông tin khuyến cáo cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh của Bộ Y tế qua tin nhắn điện thoại nên chị cũng chủ động hơn trong phòng chống dịch và giữ vững tâm lý cho người thân trong gia đình mình.

Lượng hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột vẫn dồi dào, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân.
Lượng hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột vẫn dồi dào, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân.

Tương tự, chị Đỗ Phượng Linh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cũng hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì thật cần thiết. Sở thích ra quán cà phê để gặp gỡ bạn bè, đi nghe nhạc vào tối cuối tuần trước đây cũng được chị hạn chế tối đa. Bởi theo lời chị, càng đến chỗ đông người thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Hơn bao giờ hết, lúc này chị nêu cao ý thức tự bảo vệ sức khoẻ cho mình và bảo vệ cho cộng đồng, đồng thời tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh mà Chính phủ, địa phương đang triển khai.

Trong khi tại một số nơi, từ khi ca bệnh số 17 xuất hiện ở Hà Nội, người dân đổ xô đi mua thực phẩm về dự trữ thì gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ bình tĩnh và giữ nếp sinh hoạt cũ. Chị vẫn đến chợ hoặc siêu thị để mua sắm nhu yếu phẩm và chỉ mua đủ dùng trong 2 ngày như trước đây chứ không mua nhiều hơn bình thường vì thấy không cần thiết. Qua thông tin báo, đài địa phương, chị được biết nguồn cung thực phẩm ở các kênh phân phối trên địa bàn vẫn dồi dào, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân cho dù có dịch xảy ra nên chị yên tâm, tin tưởng và không hoang mang.

Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, thời điểm gần cuối tháng 2 vừa qua, có hiện tượng người dân đến siêu thị mua hàng hóa để tích trữ trong nhà do lo ngại dịch Covid - 19. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời do tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân. Hiện sức mua ở siêu thị đã nhanh chóng trở lại như bình thường. Nguồn hàng được siêu thị dự trữ vẫn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra trang thiết bị vật tư y tế tại TP. Buôn Ma Thuột.
Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra trang thiết bị vật tư y tế tại TP. Buôn Ma Thuột.

Còn tại các tiệm tạp hóa bán lẻ trên địa bàn thành phố, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Nhiều chủ tiệm tạp hóa khẳng định, không có hiện tuợng người dân chen lấn để mua nhu yếu phẩm dự trữ. Chị Đặng Thị Thơm, chủ tiệm tạp hóa Thơm trên đường Lý Thường Kiệt cho hay, ở tiệm của chị, sức mua các mặt hàng như gạo, sữa, mì tôm không có biến động lớn, doanh số bán hàng cũng không tăng đột biến so với trước đây.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tiến, chủ quầy tạp hóa trên đường Nguyễn Công Trứ cũng cho biết, gần 1 tháng nay có nhiều người đến cửa hàng anh tìm mua nước sát khuẩn, gel rửa tay khô hơn so với trước, còn đối với nhu yếu phẩm như gạo, đường, sữa, muối… bán ra vẫn bình thường, không có hiện tượng người dân vội vàng đi thu gom, mua thực phẩm để tích trữ dùng dần. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh, anh có dán thông báo đề nghị mọi người mang khẩu trang, thực hiện các biện pháp vệ sinh và nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong quá trình mua sắm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đang nỗ lực giám sát thị trường, chỉ đạo các lực lượng giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để thu gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa thiết yếu bất hợp pháp, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật tư y tế... Trong quá trình kiểm tra, lực lượng cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, hộ kinh doanh không tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, tích cực tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Các số điện thoại đường dây nóng của Cục cũng thường xuyên có người trực để tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về các hành vi vi phạm liên quan.

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp để phòng chống, thiết nghĩ mỗi người dân hãy chủ động áp dụng những biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho gia đình mình, nêu cao ý thức trách nhiệm và tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Sở Công thương đã có văn bản vận động các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nguồn cung, bảo đảm nhu cầu của người dân trong thời điểm dịch bệnh, không để người dân thiếu hàng hóa; có phương án điều tiết nguồn cung, luân chuyển hàng hóa phù hợp, cung ứng thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn, nhất là các mặt hàng hải sản, lương thực, thịt heo… với giá ổn định.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.