Multimedia Đọc Báo in

Hạ lãi suất điều hành: Liệu đã đủ?

09:13, 26/03/2020

Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bắt đầu từ ngày 17-3-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đồng loạt giảm các lãi suất điều hành.

Cụ thể, NHNN đã giảm lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Mức lãi tối đa của các khoản tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ  0,8%/năm còn 0,5%/năm. Song song với lãi tiền gửi, NHNN cũng giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6% xuống 5,5%/năm. Ngoài ra, các khoản tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5 - 1%.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)
Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Việc hạ lãi suất điều hành là một trong những công cụ của NHNN để tác động đến nền kinh tế mà tác động rõ nét nhất là đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên khó khăn hiện nay không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, dịch vụ khi mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, cả nguồn cung và cầu đang ở chiều hướng đi xuống. Điều này thể hiện rõ nhất khi giá dầu đã xuống ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020 do hàng loạt lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhu cầu về xăng, dầu giảm mạnh. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, họ sẵn sàng giảm lợi nhuận ngắn hạn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân thông qua công cụ lãi suất.

Thế nhưng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân trong tình hình hiện nay mới là vấn đề. Bởi việc hạ lãi suất điều hành chỉ thực sự tác động đến những khoản vay mới. Trong khi nền kinh tế, nhất là mảng dịch vụ và sản xuất trong nước và thế giới đang trong giai đoạn đình trệ thì nhu cầu vay vốn thực tế trên thị trường không nhiều. Chưa kể các ngân hàng phải cân nhắc cẩn trọng đối tượng khách hàng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng trong tương lai. Còn đối với những khoản vay cũ, việc giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu lại thời gian trả nợ thế nào thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là ngân hàng yêu cầu phải có những bằng chứng về thiệt hại do Covid -19 gây ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Theo nhiều doanh nghiệp,  thiệt hại là có thật nhưng chứng minh là không dễ.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là phải có biện pháp hỗ trợ, vực dậy năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp thông qua nhiều công cụ khác nhau như hỗ trợ tìm kiếm đầu ra, thuế, chi phí hoạt động (tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, tiền điện...). Điều này đòi hỏi Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020 về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 11-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Trong đó riêng lĩnh vực ngân hàng phải sớm rà soát, thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất... đối với khách hàng đang có dư nợ cũ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.