Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị: Hướng đến lợi ích lâu dài trong sản xuất nông nghiệp

08:40, 24/03/2020

Từ nguồn hỗ trợ ban đầu của ngân sách, nhiều hợp tác xã (HTX) đã tích cực mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hướng đến nâng cao giá trị nông sản, tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản theo phương pháp Honey (lên men quả chín và phơi khô tự nhiên) từ năm 2018. Yêu cầu của phương pháp này là phải sử dụng 100% quả chín, không lẫn tạp chất hoặc quả hư hỏng. Ban đầu, HTX vận động nông dân chọn lọc cà phê chín ngay từ trên cây và thu mua quả tươi với giá cao hơn giá thị trường. Mặc dù vậy, tỷ lệ quả chín ngay từ khâu thu hái cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 90 – 95%, HTX phải thuê nhân công loại bỏ hoàn toàn quả xanh rồi mới tiến hành các bước rửa sạch, hong ráo nước, ủ lên men…

Vận hành thử nghiệm máy tách màu tại Lễ bàn giao máy móc, thiết bị hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị  tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu.
Vận hành thử nghiệm máy tách màu tại Lễ bàn giao máy móc, thiết bị hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu.

Niên vụ cà phê 2019, HTX Công bằng Ea Tu nhận được gói hỗ trợ 320 triệu đồng từ Trung tâm Các chương trình kinh tế - xã hội (trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. HTX cũng đối ứng hơn 100 triệu đồng để trang bị máy tách màu nông sản hiện đại, công suất lớn. Với máy tách màu này, HTX có thể nhanh chóng tách riêng cà phê xanh, quả khô lép để thu được cà phê quả chín hoàn toàn và thu mua cho các hộ thành viên, nông dân liên kết với giá 10.000 đồng/kg quả tươi, cao gần gấp đôi so với giá thị trường cùng thời điểm.

Bước đầu, HTX bán trực tiếp cà phê nhân sản xuất theo phương pháp Honey cho các nhà rang xay và phục vụ sản xuất ngay tại đơn vị. Nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến sản xuất, chế biến mà cà phê rang xay, cà phê hòa tan mang thương hiệu Ea Tu Coffee đã tạo được dấu ấn riêng về hương vị, chinh phục nhiều khách hàng khó tính.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX cho biết, sản xuất cà phê đặc sản đã nâng cao giá trị hạt cà phê, mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp cho nông dân. Từ đó, các thành viên HTX và nông dân liên kết đã dần thay đổi tư duy, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc cùng HTX xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị tại địa phương.

Nhờ máy tách màu, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu sản xuất cà phê đặc sản từ 100% quả chín.
Nhờ máy tách màu, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu sản xuất cà phê đặc sản từ 100% quả chín.

Tại huyện Krông Bông, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình là đơn vị đi đầu trong việc liên kết với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, mía đường quy mô lớn. Với kinh nghiệm tổ chức sản xuất nhiều năm qua, HTX đã khoanh vùng được những diện tích có thể phát triển các mặt hàng lúa gạo, trái cây chất lượng cao và lên kế hoạch phát triển chế biến ngay tại địa phương. HTX dự kiến đầu tư hơn 3 tỷ đồng trong lộ trình thực hiện từ 2019 - 2022, xây dựng hệ thống sơ chế, sấy, xay xát, đóng gói… Bước đầu thực hiện kế hoạch dài hơi này, HTX Thăng Bình đã được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách năm 2019. Theo ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX, đây là nguồn hỗ trợ thiết thực, kịp thời để HTX tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa, đưa các sản phẩm lúa gạo, mía đường, trái cây của địa phương đến tận tay người tiêu dùng thay vì xuất bán nguyên liệu như trước đây.

Năm 2020, Liên minh HTX tỉnh dự kiến hỗ trợ 3 HTX xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi và 2 HTX điển hình tiên tiến với tổng kinh phí 720 triệu đồng.

Thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ HTX đổi mới hoạt động theo chuỗi giá trị đã được triển khai, từ công tác tập huấn, đào tạo đến hỗ trợ kinh phí, xây dựng mô hình, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Riêng việc cấp kinh phí xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị được Liên minh HTX tỉnh thực hiện từ năm 2018 đến nay, với 4 HTX được hỗ trợ. Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cũng đã giới thiệu thêm 2 HTX nhận hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam.

Ông Trương Công Bằng, Phó trưởng Phòng Chính sách phong trào, Liên minh HTX tỉnh cho biết, do nguồn kinh phí phân bổ hằng năm có hạn nên đơn vị ưu tiên bố trí hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp đã tổ chức hoạt động hiệu quả và có phương án đầu tư sát với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của thành viên. Đến nay, các HTX được đầu tư, hỗ trợ đều có những bước tiến mới trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, thúc đẩy chế biến sâu ngay tại vùng nguyên liệu, tiết giảm khâu trung gian, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường hàng hóa. Từ đó, lợi nhuận của HTX và thu nhập của thành viên được nâng cao. Đây được xem là những mô hình tiêu biểu để Liên minh HTX tỉnh tổ chức học tập, nhân rộng trong thời gian tới.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.