Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ các dự án khởi nghiệp

10:03, 20/11/2020

Phát triển sản phẩm từ các ý tưởng, mục đích khác nhau, nhiều đề án tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020 được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.

Nâng cao giá trị củ nghệ

Được đánh giá là một trong các ý tưởng, dự án nhiều triển vọng tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020, Dự án nâng cao giá trị củ nghệ bản địa – Epis của startup Lê Thị Thư (SN 1991, ở thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drắk) đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm hữu ích.

Chia sẻ về lý do khởi nghiệp của mình, chị Thư cho biết, do được tiếp xúc với “làn sóng” khởi nghiệp mạnh mẽ khi còn đi học, đi làm tại TP. Hồ Chí Minh nên từ lâu chị đã ấp ủ một dự án cho riêng mình. Khi chứng kiến cảnh người dân trồng nghệ ở quê phải chịu tình trạng “được mùa mất giá”, năm 2017 chị Thư quyết định về quê khởi nghiệp. Chị đã lấy một số mẫu củ nghệ tại M’Drắk và các huyện Ea Kar, Krông Pắc gửi đi kiểm định để so sánh chất lượng thì nhận thấy, nghệ nếp đỏ được trồng tại địa phương tuy củ nhỏ, lượng tinh bột không nhiều nhưng có màu sắc đẹp, mùi thơm dễ chịu, đặc biệt hàm lượng curcumin cao hơn hẳn so với nghệ vàng, nghệ đỏ cao sản.

Startup  Lê Thị Thư  (thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drắk)  cùng các  sản phẩm  làm từ củ nghệ  của mình.
Startup Lê Thị Thư (thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drắk) cùng các sản phẩm làm từ củ nghệ của mình.

Sau một thời gian tìm hiểu cách sản xuất tinh bột nghệ đạt chất lượng tốt, đầu năm 2018, cùng với việc tiến hành thu mua nghệ từ người dân, chị Thư đã đầu tư 150 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy sấy, máy nghiền ép liên hoàn phục vụ sản xuất, tiến tới thành lập Công ty TNHH Thương mại Epis. Ban đầu, sản phẩm làm ra, chị giới thiệu cho một số người quen dùng thử và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Nhiều người sau đó tiếp tục quay lại mua sản phẩm và giới thiệu cho người thân, bạn bè. Nhờ vậy, chỉ sau ba tháng kinh doanh, chị Thư đã bán hết số hàng dự tính sẽ bán trong vòng một năm.

Không dừng lại ở việc sản xuất tinh bột nghệ, chị Thư còn nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra các sản phẩm khác từ nghệ. Hiện nay, chị đang xây dựng, hoàn thiện bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp theo hướng an toàn, tự nhiên gồm: Tinh bột nghệ nếp đỏ, son nghệ, mặt nạ nghệ, xà bông nghệ. Để nhiều người biết đến Epis, chị Thư đã chủ động mang sản phẩm của mình giới thiệu và đề xuất được tham dự các hoạt động trưng bày; đăng ký tham gia lễ hội cà phê, các chương trình triển lãm, hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời tham gia các chương trình, ngày hội về khởi nghiệp để tiếp tục gọi vốn phát triển dự án của mình.

Khởi nghiệp với tiêu xanh, tiêu đỏ

Dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu xanh, tiêu đỏ sấy bằng công nghệ Enzym được đánh giá là một trong những ý tưởng khởi nghiệp khả thi theo hướng “nghĩ xanh, sống xanh”, mang lại những giá trị mới từ nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng. Dự án này đến từ một nhóm bạn trẻ, trong đó chị Võ Thị Ngọc Ánh (SN 1990, ở xã Ea Na, huyện Krông Ana) làm trưởng nhóm.

Với mục tiêu cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ hiện đại cho thị trường trong nước và quốc tế, năm 2019 nhóm của chị Ánh đã quyết định thành lập Công ty TNHH Đắk Lắk Food. Chị Ánh chia sẻ, hiện tại công ty đang sản xuất hai dòng sản phẩm chính là tiêu xanh và tiêu đỏ sấy khô bằng công nghệ Enzym với quy trình khép kín. Công ty đang sử dụng kênh phân phối thông qua các đại lý, cộng tác viên bán hàng online và phân phối trực tiếp cho khách hàng thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee… Sau khi ra thị trường, sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận, thậm chí công ty đã có những đối tác ngoại quốc. Ngoài đầu tư công nghệ tiên tiến và đội ngũ kỹ sư trình độ cao, công ty còn liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã, nông trại và một số hộ gia đình trong việc sản xuất tiêu hữu cơ, sinh thái. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quy trình trồng, thu mua, chế biến nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, dồi dào và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, mang giá trị cao.

Startup  Võ Thị Ngọc Ánh  (xã Ea Na,  huyện Krông Ana)  kiểm tra  chất lượng  sản phẩm  tiêu đỏ.
Startup Võ Thị Ngọc Ánh (xã Ea Na, huyện Krông Ana) kiểm tra chất lượng sản phẩm tiêu đỏ.

Trong thời gian tới, chị Ánh và các thành viên trong nhóm của mình sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã bao bì cung cấp cho thị trường trong nước theo kênh đặc sản vùng miền và hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, công ty sẽ ưu tiên phát triển thị trường, tìm đối tác hợp tác chiến lược trong việc xây dựng nhà xưởng và đầu tư công nghệ máy móc mới, đón đầu xu thế tiêu dùng cho sản phẩm chế biến, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp chế biến theo hướng “xanh - sạch”.

Tiên phong trong chế tạo kính thiên văn

Chưa thành lập được doanh nghiệp và sản phẩm cũng chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường, nhưng Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn (phản xạ) của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên do em Nguyễn Tiến Đồng (sinh viên Bộ môn Vật lý, Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ) làm trưởng nhóm đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

Chia sẻ về con đường đưa các em đến với ý tưởng sản xuất kính thiên văn, Đồng cho biết, trong quá trình học tập và sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thiên văn của trường, em và các bạn đều nhận thấy nhu cầu sử dụng kính thiên văn của những người quan tâm đến thiên văn học, thích ngắm cảnh, đặc biệt là các vật thể ở xa là rất cao. Trong khi đó giá thành của một chiếc kính thiên văn đáp ứng được nhu cầu đó thì khá đắt đỏ. Chính vì vậy, cả nhóm đã cùng nhau nghiên cứu và chế tạo ra chiếc kính thiên văn có đầy đủ chức năng với chi phí thấp hơn, chỉ bằng 1/4 giá một chiếc kính thiên văn hiện đang bán ngoài thị trường.

Các sản phẩm kính thiên văn do nhóm của em Nguyễn Tiến Đồng (bìa trái) sinh viên Bộ môn Vật lý, Khoa khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên chế tạo.
Các sản phẩm kính thiên văn do nhóm của em Nguyễn Tiến Đồng (bìa trái) sinh viên Bộ môn Vật lý, Khoa khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên chế tạo.
Dự án Nâng cao giá trị củ nghệ bản địa - Epis của startup Lê Thị Thư (xã Ea Pil, huyện M’Drắk), Dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu xanh, tiêu đỏ sấy bằng công nghệ Enzym của startup Võ Thị Ngọc Ánh (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cùng các cộng sự và Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên do em Nguyễn Tiến Đồng làm trưởng nhóm là 3 trong số 25 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

Nhóm của Đồng có thể sản xuất ra các sản phẩm kính thiên văn với kích cỡ và mục đích sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, kính thiên văn lớn tinh vi do nhóm sáng chế có thể dùng phục vụ nghiên cứu trong các tổ chức thiên văn hoặc liên quan đến thiên văn và thiên thể. Với các sản phẩm tầm trung được sử dụng như giáo cụ dạy học về thiên văn, tổ chức những buổi trải nghiệm ngắm các thiên thể cho đối tượng là học sinh, sinh viên và những người yêu thích thiên văn. Còn các sản phẩm nhỏ thì có thể phục vụ nhu cầu tìm hiểu thiên văn nghiệp dư, sử dụng tại nhà hoặc có thể làm quà lưu niệm, vật trang trí... Ngoài tạo ra sản phẩm kính thiên văn, nhóm của Đồng còn nhận tổ chức sự kiện về thiên văn; các buổi tìm hiểu về thiên văn tại các trường phổ thông, mầm non, tiểu học… để học sinh được tiếp cận với kính thiên văn và nuôi dưỡng đam mê về khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.