Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng tích cực từ công tác truyền thông dân số ở Ea Bhôk

11:26, 12/12/2014
Xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin có 3.600 hộ với 16.580 nhân khẩu sinh sống ở 17 thôn, buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48% dân số, trình độ dân trí không đồng đều. Tuy vậy, người dân nơi đây đã có ý thức sinh ít con để chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau khi Pháp lệnh Dân số năm 2003 có hiệu lực, hằng năm Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ea Bhôk đều ban hành các văn bản, nghị quyết chuyên đề về công tác dân số - KHHGĐ và chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn nghiêm túc thực hiện. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản được đặc biệt chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức: treo băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền lưu động nhân Ngày Dân số Thế giới (11-7), Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12); nói chuyện chuyên đề tại các buôn trọng điểm cũng như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên… Nội dung chủ yếu là tuyên truyền Pháp lệnh Dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản…

Nổi bật trong công tác truyền thông dân số ở xã Ea Bhôk phải kể đến hoạt động của 1 cán bộ chuyên trách dân số xã và 25 cộng tác viên dân số thôn, buôn - những người đã không quản ngại khó khăn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ; tư vấn, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân. Nhờ đó đã lôi kéo được các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền dân số, giúp người dân hiểu được lợi ích của KHHGĐ và thụ hưởng đầy đủ dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản; vị thành niên, thanh niên không còn tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống và điều đáng mừng hơn cả là phần lớp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ “sinh 2 con để nuôi dạy con tốt”.

Anh Nguyễn Đức Hùng và chị Trần Thị Hà ở thôn 6, xã Ea Bhôk sau khi sinh đứa con thứ hai vào năm 2006 (mặc dù cả 2 con đều là gái) nhưng anh chị vẫn quyết định dừng lại không sinh thêm nữa.

Hiện tại, đứa con đầu học lớp 10, còn đứa con út học lớp 3. Nhờ sinh ít con nên vợ chồng anh Hùng có điều kiện đầu tư chăm sóc 5 sào tiêu, buôn bán nông sản…; mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Kinh tế ngày một khá lên, hạnh phúc gia đình được bảo đảm, các con đều chăm ngoan, học giỏi. Anh Hùng và chị Hà cũng tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao ở địa phương.

Nhờ chăm chỉ làm ăn và sinh ít con nên gia đình anh Y Diêm Knul (buôn Khít, xã Ea Bhôk) đã xây dựng được nhà ở khang trang, kinh tế phát triển.
Nhờ chăm chỉ làm ăn và sinh ít con nên gia đình anh Y Diêm Knul (buôn Khít, xã Ea Bhôk) đã xây dựng được nhà ở khang trang, kinh tế phát triển.

Còn vợ chồng anh Y Diêm Knul và chị H’Ramah Bdắt ở buôn Khít, xã Ea Bhôk sau khi sinh 2 đứa con  cũng đã quyết định thực hiện KHHGĐ. Hiện nay, đứa con đầu của anh chị lên 5 tuổi, còn đứa con út 2 tuổi. Anh Y Diêm chia sẻ: “Trước đây, bà con trong buôn sinh nhiều nên không đủ gạo ăn, không có tiền cho con đi học. Vì thế vợ chồng mình chỉ sinh 2 đứa thôi, để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn…”. Bên cạnh đó, vợ chồng anh cũng chăm chỉ lao động, mạnh dạn đầu tư chăm bón 2 ha cà phê, 5 sào tiêu, 4 sào lúa… Mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng, kinh tế đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang, tổ ấm luôn rộn ràng tiếng cười. 

Theo số liệu tổng hợp của Ban Dân số - KHHGĐ xã Ea Bhôk, toàn xã hiện có 3.180  phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chiếm 81%; riêng năm 2014, có 11 người mới triệt sản, 160 người sử dụng vòng tránh thai, 525 người tiêm thuốc và uống thuốc tránh thai…; tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chỉ còn 7,1%. Nhiều thôn, buôn không có hoặc chỉ có một trường hợp sinh con thứ 3 trở lên như: thôn 6, thôn 9, buôn Ea Mtá, buôn Ea Khít. Mặc dù là xã thuần nông, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhưng nhờ thực hiện tốt KHHGĐ nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 18%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 62,5%. Từ năm 2010 đến nay, xã Ea Bhôk luôn ở tốp đầu của huyện Cư Kuin về thực hiện công tác dân số-KHHGĐ.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc