Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:39, 23/05/2018

Huyện Lắk là một huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp chiếm 75% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phụ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương là rất cần thiết, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu việc làm của lao động địa phương, từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lắk phối hợp với UBND huyện tổ chức khảo sát, rà soát lại nhu cầu thực tế của lao động để có kế hoạch tuyển sinh phù hợp. Ông Trần Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong giai đoạn từ năm 2013 – 2017, Trung tâm đã mở được 20 lớp dạy nghề, đào tạo 622 học viên trong đó có 546 học viên dân tộc thiểu số, với các nghề chăn nuôi heo, chăn nuôi bò, kỹ thuật nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp… Sau đào tạo, 75 – 85% học viên có việc làm ổn định.

Anh Y Lợi Knul gắn bó với nghề sửa chữa máy nông nghiệp sau học nghề.
Anh Y Lợi Knul gắn bó với nghề sửa chữa máy nông nghiệp sau học nghề.

Đơn cử như trường hợp của anh Y Lợi Knul (buôn Đar Ju, xã Bông Krang). Trước đây, do không có đất sản xuất, anh phải đi làm phụ hồ, chạy xe thuê ở huyện Krông Ana. Phải xa nhà, thu nhập lại thấp chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng nên anh quay về làm thuê tại địa phương nhưng kinh tế cũng không khá lên. Năm 2016, anh Y Lợi tham gia học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lắk. Sau khi kết thúc khóa học kéo dài 4 tháng, anh Y Lợi thường sửa chữa lưu động cho những xe máy cày, máy nổ hư hỏng trên đường, trên nương rẫy, dù xa đến đâu anh cũng không ngần ngại. Quyết tâm gắn bó với nghề, bên cạnh chạy sửa chữa lưu động, anh còn mở một quán sửa chữa máy móc nhỏ tại nhà, chủ yếu sửa chữa bánh xe cày, xe rùa… tích trữ vốn để mở rộng kinh doanh. Anh Lợi cho biết, từ khi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp anh đã chủ động hơn trong làm ăn, thu nhập ổn định, tăng gấp 2 – 3 lần so với trước đây giúp anh có thêm động lực để gắn bó lâu dài với nghề, vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương.

Các học viên thực hành sửa chữa máy nông nghiệp.
Các học viên thực hành sửa chữa máy nông nghiệp.

Trong năm 2018, Trung tâm mở và chú trọng đào tạo nghề trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo vệ thực vật và một số nghề phi nông nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tập trung mở thêm các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là 3 nghề: xây dựng dân dụng, hàn cốt thép và sửa chữa máy nông nghiệp. Đây không chỉ là những nghề đáp ứng nhu cầu của lao động địa phương mà còn là bước đệm để các học viên có thể học lên nâng cao tay nghề như làm thợ chính, chủ thầu xây dựng, mở các cơ sở riêng… Trong tương lai, Trung tâm dự định khôi phục lại các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… để lao động người dân tộc tại chỗ có thể giữ gìn được những nghề truyền thống đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.