Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn hóa cộng đồng nửa tỷ đồng bị bỏ không

09:18, 13/08/2018
Được đầu tư xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng, nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, công trình nhà văn hóa cộng đồng tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột không còn phát huy được công năng.
 
Xã Hòa Phú có 15 đơn vị thôn, buôn, trong đó có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là buôn Tuôr và buôn Mbrê. Trước đây, do chưa có nhà văn hóa, mỗi khi có hoạt động cộng đồng bà con phải mượn nhà của buôn trưởng hoặc tổ chức ở bãi đất trống trong buôn nên rất bất tiện, lượng người tham dự ít.
 
Năm 2005, địa phương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho bà con của hai buôn. Nhà văn hóa này được xây dựng bên cạnh quốc lộ 14, tại vị trí nằm giữa địa phận 2 buôn, với khuôn viên có diện tích 1.000 m 2, trong đó riêng công trình nhà văn hóa có diện tích 120 m2, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Nhà văn hóa được thiết kế theo kiểu nhà dài truyền thống của người Êđê, xây dựng kiên cố, mái lợp tôn, bên trong được được trang bị một chiếc kpan, bộ chiêng và dàn âm thanh hoàn chỉnh.
 
Nhà văn hóa đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của bà con, bởi đây được đánh giá là một trong những nhà văn hóa khang trang và đầu tư đồng bộ nhất trong tỉnh lúc bấy giờ. Kể từ đó, các dịp hội họp hay sinh hoạt văn hóa của 2 buôn rất thuận lợi, bà con hào hứng tham dự đông đủ. Bên cạnh đó, đây cũng là địa điểm vui chơi của các em nhỏ và tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động quần chúng rất hiệu quả.
Nhà văn hóa cộng đồng tại xã Hòa Phú đã bỏ không nhiều năm nay.
Nhà văn hóa cộng đồng tại xã Hòa Phú đã bỏ không nhiều năm nay.

Đến năm 2008, buônTuôr và buôn Mbrê được đầu tư xây dựng mỗi buôn một nhà văn hóa cộng đồng khang trang không kém nhà văn hóa chung, kinh phí 600 triệu đồng mỗi công trình. Có thiết chế văn hóa tại chỗ, nhà văn hóa cộng đồng cũ không còn được bà con sử dụng nên phải bỏ không. Trước thực trạng đó, xã Hòa Phú đã tận dụng công trình này làm trung tâm học tập cộng đồng của xã, tuy nhiên, do diện tích nhỏ, vị trí nằm cách xa trung tâm xã, thỉnh thoảng mới có các lớp tập huấn, dạy nghề nên hoạt động không hiệu quả. Do đó, từ năm 2013, địa phương đã chuyển trung tâm học tập cộng đồng về trung tâm xã, nên nhà văn hóa này bị “bỏ hoang” từ đó cho đến nay.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, thời gian đầu sau khi đóng cửa, xã phải bỏ tiền thuê người để bảo vệ công trình. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, sau đó xã đã chuyển toàn bộ các thiết bị trong nhà văn hóa về kho của xã cất giữ. Sau nhiều năm không được sử dụng, không có người trông coi, bảo vệ, nhà văn hóa đã bị xuống cấp, hư hỏng, khuôn viên cỏ mọc um tùm, sàn nhà và vách tường được làm bằng gỗ nay đã mục, lan can gỉ sét, hư hỏng nặng, nhà vệ sinh thì trở nên xập xệ, không còn sử dụng được. Một người dân sống ở gần công trình này cho biết, nhiều năm nay, nhà văn hóa chẳng có ai ra vào, gây lãng phí rất lớn, ai nhìn vào cũng cảm thấy tiếc. 

Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, chính quyền xã đã họp bàn nhiều lần nhằm tìm hướng khắc phục tình trạng nhà văn hóa bỏ không để sử dụng công trình một cách hiệu quả. Theo đó, xã sẽ đầu tư 200 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình nông thôn mới để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa cộng đồng này kết hợp với xây dựng sân bóng chuyền, bóng đá liền kề để làm khu vui chơi văn hóa, thể thao của xã và phục vụ các hoạt động của người dân buôn Tuôr, Mbrê, thôn 3, 7 và 11. Sau khi hoàn thành dự án này, xã Hòa Phú sẽ đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong chương trình nông thôn mới, góp phần đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.
 
Minh Thông
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.