Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Khó thu hồi nợ từ chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở

08:20, 04/12/2018

Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 167) được triển khai từ năm 2009. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, các địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Huyện M’Đrắk có 1.109 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà ở được hỗ trợ vay vốn làm nhà theo Chương trình 167 với tổng số tiền vay trên 8,8 tỷ đồng. Theo quy định, thời gian cho vay là 10 năm kể từ thời điểm hộ dân nhận nợ món vay đầu tiên, mức vay tối đa không vượt quá 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,3%/năm; trong đó 5 năm đầu ân hạn lãi vay (tức là thay vì thu lãi hằng tháng, toàn bộ số tiền lãi trong 5 năm đầu sẽ được dồn lại để thu sau), từ năm thứ 6 trở đi bắt đầu trả lãi và trả 1/5 tiền gốc nợ vay. Tuy nhiên, rất nhiều người dân hiểu chưa đúng cụm từ “ân hạn”, cho rằng 5 năm đầu là không tính lãi nên đến khi nhận được thông báo trả lãi vay, không có sự chuẩn bị dẫn đến không thể trả nợ đúng hạn.

Theo thống kê, đến cuối tháng 9-2018, toàn huyện mới chỉ có 213 hộ trả nợ theo quy định, số tiền thu nợ trên 1,9 tỷ đồng; 896 hộ còn dư nợ với số tiền trên 6,9 tỷ đồng. Hầu hết số hộ vay vốn đã đến hạn trả nợ một phần theo phân kỳ nhưng chỉ có 74/896 hộ chấp hành (đạt 8,25%), còn lại vẫn chưa trả nợ với số lãi tồn đọng lớn khoảng 580 triệu đồng; chủ yếu ở các xã Cư San, Cư Króa, Cư Prao, Krông Á, Ea Trang...

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (phải) giải thích về việc vay vốn và trả nợ theo Chương trình 167  cho gia đình anh Vàng Seo Sấn ở thôn 8, xã Cư San.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (phải) giải thích về việc vay vốn và trả nợ theo Chương trình 167 cho gia đình anh Vàng Seo Sấn ở thôn 8, xã Cư San.

Xã Cư San là địa phương có số dư nợ lớn nhất, lãi tồn đọng cao nhất ở huyện M’Đrắk. Toàn xã hiện có 157 hộ đang nợ Chương trình 167, đến cuối tháng 9-2018, dư nợ trong hạn phân kỳ trên 1,2 tỷ đồng, nợ đến hạn 790 triệu đồng, lãi tồn gần 227 triệu đồng. Phần lớn bà con đều chưa trả được cả tiền lãi lẫn tiền gốc, nguyên nhân một phần do cuộc sống còn khó khăn, phần khác vì hiểu nhầm cụm từ “ân hạn” là vay không phải trả lãi nên các hộ vay không nộp lãi, thậm chí không ký nhận nợ khi Ngân hàng đối chiếu nợ, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và lây lan tâm lý ỷ lại cho những hộ vay khác. Đa số hộ vay không có kế hoạch và biện pháp trả nợ, một số gia đình sau khi vay vốn đã chuyển đến địa phương khác cư trú nên công tác thu hồi nợ khó thực hiện. Ông Võ Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Cư San, cho biết: Qua khảo sát, xã có 3 trường hợp xây nhà đã bỏ đi nơi khác sinh sống, 8 nhà bỏ hoang.

Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách xã hội đi kiểm tra thực tế các nhà ở xây dựng theo Chương trình 167 tại xã Cư San.
Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách xã hội đi kiểm tra thực tế các nhà ở xây dựng theo Chương trình 167 tại xã Cư San.

Theo bà Nguyễn Thị Gái, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk, để thu hồi nguồn vốn cho vay giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Chương trình 167, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể tham gia nhận ủy thác cho vay, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hợp lý, hiệu quả để phát triển kinh tế và lên kế hoạch trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn do đa số hộ vay không có kế hoạch và biện pháp trả nợ, nguy cơ không thu được vốn cho Nhà nước là rất cao (thời hạn trả nợ cuối cùng vào năm 2019).

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.