Multimedia Đọc Báo in

Người dân bức xúc vì mất tiền mua... nước đục

09:34, 28/10/2019

Thời gian gần đây, người dân ở xã Cư Kty (huyện Krông Bông) vô cùng bức xúc vì phải bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt để sử dụng, nhưng nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh.

Ông N.V.L (thôn 1) cho biết, do nước được kéo từ Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty về có màu vàng, đục, không sử dụng được nên lâu nay gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn phải mua nước đóng thùng dạng 20 lít để uống và nấu ăn. Nhằm tiết kiệm, nhiều gia đình vẫn dùng nguồn nước của công trình (với giá 4.400/m3) chỉ để tắm rửa, nhưng cũng không yên tâm khi sử dụng. 

Hệ thống lọc nước của Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty.
Hệ thống lọc nước của Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty.

Tương tự, ông V.P.T  (thôn 6) cũng than ngắn thở dài khi nước từ đường ống của Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty chảy về nhà ông khi xả ra toàn một màu vàng nhạt, xả ra chậu để một lúc thì đóng cặn dưới đáy nên không ai dám dùng nấu nướng, ăn uống cả. Đặc biệt sau mỗi lần cúp điện thì nguồn nước này lại vàng đục hơn nữa. Mặc dù vậy nhưng vào mùa khô, do không có nước sử dụng, người dân buộc phải bơm thật nhiều nước vào bồn chứa vài ngày để lắng. Lượng nước chứa trong bồn chỉ sử dụng được hơn một nửa, lượng còn lại không dám dùng mà phải xả bỏ. Vì vậy thời gian qua, không ít hộ dân phải tốn tiền mua nước trong khi điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều gia đình không có nước giặt đành phải bỏ tiền mua bột lọc nước pha vào nước để xử lý cặn, màu… Trong khi đó, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hộ đã kéo đường ống nhưng chưa có nước để sử dụng. Chẳng hạn như 15 hộ dân ở dốc thôn 4, gần trạm bơm khu B của Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty.

 

Tính đến thời điểm này, huyện vẫn chưa nhận được đề nghị bằng văn bản về việc nâng cấp Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty mà mới nghe qua ý kiến cử tri. Khi xã có văn bản, huyện sẽ tiến hành thẩm định và có hướng giải quyết để người dân yên tâm”.

 
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, bàn giao cho xã quản lý vào năm 2012. Công trình bao gồm giếng khoan, máy bơm, hệ thống lọc, bể chứa xử lý nước và hơn 35 km đường ống dẫn nước hoạt động với công suất 550 m3/ngày đêm. Hiện công trình đang cấp nước sinh hoạt cho 650 hộ dân ở 8 thôn trên địa bàn. Việc điều hành hoạt động của công trình được xã giao cho Tổ quản lý nước đảm nhận. Thời gian qua, xã cũng đã nhận được phán ánh của người dân về tình trạng nước sinh hoạt có màu vàng và đục, không bảo đảm vệ sinh. Xã đã chỉ đạo Tổ quản lý nước thường xuyên làm sạch bể chứa, khắc phục kịp thời các đường ống hư, xuống cấp để bảo đảm chất lượng và chỉ tiêu nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.

Theo Tổ trưởng Tổ quản lý nước xã Cư Kty Trần Bảo Anh thì nguồn nước được bơm từ giếng khoan lên, sau đó đưa qua hệ thống lọc rồi mới dẫn vào bể chứa để xử lý bằng Clo theo quy trình khép kín. Bể lọc và bể chứa cũng được Tổ súc rửa, làm sạch định kỳ hằng tháng. Thời gian qua, nước cấp cho dân sử dụng có màu vàng, đục là do đường ống từ giếng khoan lên bể lọc đã xuống cấp, một số đoạn ống dẫn bị vỡ do người dân xây dựng các công trình hoặc do bắc qua đường giao thông. Hơn nữa hệ thống lọc nước của công trình đã cũ, lạc hậu nên lọc không được kỹ so với các hệ thống mới…Về vấn đề này, Tổ đã kiến nghị với xã, huyện bố trí kinh phí để nâng cấp.

Nước từ Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty   về đến nhà dân có màu vàng và đóng cặn.
Nước từ Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cư Kty về đến nhà dân có màu vàng và đóng cặn.

Mới đây, trong đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trước Kỳ họp thứ 8, người dân cũng bày tỏ bức xúc, đề nghị sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và các ngành chức năng có liên quan để người dân sớm được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.