Multimedia Đọc Báo in

Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới: Hai năm liệu có kịp?

17:26, 24/12/2017

Tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV vừa qua, 89,21% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới được lùi 2 năm so với quy định cũ, tức là từ năm học 2020-2021 thay vì năm học 2018-2019. Đa số đại biểu đồng tình lùi thời hạn vì thực tế, các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình.

Hình minh họa
Hình minh họa.

Dù vậy, là một nhà giáo, tôi vẫn lo lắng thời hạn 2 năm liệu có kịp không? Thời gian 2 năm là không dài để chúng ta có thể hoàn thành các công việc từ biên soạn chương trình cụ thể, sách giáo khoa cho đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ dạy học cho các trường… Phải thật quyết tâm và triển khai nhanh chóng, đồng bộ tất cả các khâu thì mới có thể hoàn thành hết tất cả những công việc ấy.

Đầu tiên, để việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới có thể thành công thì cần phải đào tạo được một đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Giáo viên chính là một nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục nên nếu không quan tâm đến đội ngũ giáo viên thì mọi đổi mới sẽ có nguy cơ khó trở thành hiện thực. Nếu chúng ta đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện nhưng lại bắt đầu bằng thay đổi thi cử, chương trình và sách giáo khoa thì chưa đủ mà đầu tiên cần phải thay đổi cách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Chương trình mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021 nhưng đến nay, tức là cuối năm 2017 vẫn chưa có sách giáo khoa mới, chưa có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên một cách cụ thể. Trong khi đó, hiện chúng ta vẫn đang đào tạo giáo viên theo từng phân môn riêng lẻ như giáo viên dạy Toán, giáo viên dạy Lý, giáo viên dạy Hóa… Dĩ nhiên, xét về mặt lý thuyết thì giáo viên dạy môn Toán cũng có thể dạy cả Lý và Hóa nhưng chất lượng chắc chắn khó mà đảm bảo được. Vậy để những giáo viên này có thể dạy tốt được môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên thì cần phải có thời gian bồi dưỡng, bổ sung kiến thức. Việc đào tạo, bồi dưỡng không thể làm trong 1 tuần hay 1 tháng mà cần đào tạo văn bằng hai; trong khi đó, thời gian đào tạo văn bằng hai sẽ mất khoảng 2 năm. Nếu hết năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vẫn chưa có kế hoạch gì thì e rằng sẽ không kịp để đến tháng 9-2020 áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Các môn học mới như “Hoạt động trải nghiệm” và “Tiếng dân tộc thiểu số” đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo đạt chuẩn và có kinh nghiệm sư phạm mới có thể dạy tốt. Đặc biệt là môn “Tiếng dân tộc thiểu số” nếu đã trở thành một môn học (dù là tự chọn chứ không bắt buộc) thì buộc phải có các giáo viên được đào tạo bài bản song hiện nay, chúng ta có được bao nhiêu giáo viên dạy môn học này? Được biết, các trường sư phạm hiện nay hầu như chưa quan tâm đến đào tạo ngành tiếng dân tộc thiểu số; riêng Trường Đại học Tây Nguyên chỉ có ngành Sư phạm tiểu học tiếng J’rai, ngoài ra không đào tạo các ngành sư phạm tiếng dân tộc thiểu số nào khác cho cấp trung học. 

Mỗi thay đổi của ngành giáo dục đều tác động đến toàn xã hội, đến mọi gia đình. Vì vậy mà cần phải làm sao sự thay đổi mang lại hiệu quả thiết thực nhất, tránh việc biến con em chúng ta thành “chuột bạch”.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.