Multimedia Đọc Báo in

Để tránh rủi ro khi học các lớp liên kết đào tạo

08:11, 21/09/2020

Đối với nhiều trường đại học, cao đẳng thì các lớp liên thông, vừa học vừa làm là một nguồn thu lớn, thậm chí có lúc còn lớn hơn nguồn thu từ hệ chính quy.

Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều trường đã đẩy mạnh việc liên kết đào tạo, mở lớp ở tất cả những nơi có thể được. Chuyện một trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở phía Bắc nhưng lại có rất nhiều lớp liên kết được mở tại miền Trung, miền Nam hoặc ngược lại trường chính ở phía Nam nhưng nhiều lớp liên kết lại ở Tây Nguyên không phải là chuyện hiếm. Người học được lợi là không phải đi xa, đỡ tốn kém chi phí, vừa đi học vừa đi làm. Tuy nhiên, thực tế đã có không ít trường hợp phải đến khi học xong mới thấy lợi bất cập hại. Điển hình là hai trường hợp mới xảy ra trong tháng 8 và 9 vừa qua.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. (Ảnh minh họa)
Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. (Ảnh minh họa)

Trường hợp thứ nhất là các học viên lớp đại học Luật của Đại học Thái Bình nhưng học tại Hải Phòng. Năm 2016, Trường Đại học Thái Bình đã mở lớp tại Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tuyển sinh đào tạo đại học hệ chính quy chuyên ngành Luật. Hình thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ lớp 12 đối với thí sinh có điểm tổ hợp 3 môn Văn, Sử, Địa đạt 18 điểm trở lên. Sau đó, Đại học Thái Bình đã ban hành quyết định trúng tuyển, công nhận 42 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chính quy chuyên ngành Luật và tổ chức cho các sinh viên này học vào thứ bảy, chủ nhật. Đến năm 2020, có 33 người học đủ 8 học kỳ với 126 tín chỉ. Điều đáng nói là khi các sinh viên này nhận bằng tốt nghiệp và bảng điểm thì trên bảng điểm lại thể hiện trình độ đào tạo là hệ “vừa học vừa làm”, trong khi thông báo ban đầu lúc nhập học của họ là hệ chính quy. Các sinh viên cho rằng mình đã bị lừa vì nếu ngay từ đầu trường thông báo việc liên kết đào tạo là hệ vừa làm vừa học, không phải chính quy thì chắc chắn họ đã không học. Như vậy, những sinh viên nói trên cứ tưởng được lợi vì học cuối tuần mà được nhận bằng chính quy nhưng hóa ra lại là vừa học vừa làm.

125 học viên khác ở Quảng Bình còn “đắng lòng” hơn vì bị Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thu hồi bằng tốt nghiệp, bảng điểm dù đã nhận bằng được hơn 1 năm. Cụ thể, vào tháng 5-2017, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh mở các lớp đào tạo hệ Cao đẳng ngành Dược và Hộ sinh liên thông từ hệ Trung cấp, hình thức vừa học vừa làm tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình với thời gian đào tạo là 2 năm. Giữa năm 2019, các học viên hoàn thành chương trình học và được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, mới đây các học viên này bất ngờ nhận được thông báo thu hồi bằng tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Lý do được đưa ra là vì quy trình đào tạo chưa phù hợp với một số quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp: thời gian đào tạo chưa đúng theo quy định và một số học phần chuyên ngành còn thiếu so với tiêu chuẩn khung đào tạo cả hai ngành học!

Thực tế cho thấy, vì “nồi cơm” của mình, một số trường đại học, cao đẳng sẵn sàng nhập nhèm trong thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo đối với các lớp liên kết ở ngoài trụ sở chính. Thiết nghĩ, để chấn chỉnh những lộn xộn trong liên kết đào tạo ngoài trụ sở chính của các trường đại học, cao đẳng, Bộ GD-ĐT cần quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo, liên kết đào tạo của các trường; thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh các sai phạm nếu có để tránh những thiệt thòi cho người học. Tất cả các quyết định xử lý sai phạm đó cần được công khai rộng rãi trên báo chí để người học có thể biết trường nào, chương trình đào tạo nào được phép đào tạo để có căn cứ lựa chọn theo học.

Về phía người học, trước khi nộp đơn theo học những lớp dạng này, cần tìm hiểu kỹ về trường, chương trình học mà mình sẽ đăng ký. Cần cập nhật quy chế đào tạo đại học, cao đẳng mới nhất thay vì hoàn toàn tin tưởng vào thông tin nhà trường cung cấp. Không thể có chuyện học ngoài giờ hành chính mà lại được cấp bằng chính quy. Có thể trên bằng tốt nghiệp không còn ghi “chính quy” hay “vừa học vừa làm” nhưng trên phụ lục văn bằng/bảng điểm lại có nội dung này. Nên lựa chọn các trường uy tín, đã có nhiều người theo học để có thể đối chiếu, so sánh giữa chương trình học của mình và những người đi trước. Ngoài ra cũng nên thường xuyên truy cập vào trang web của trường mình đang theo học để biết những sự thay đổi trong quy chế đào tạo của trường có liên quan đến quyền lợi của mình.

Nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn của người học là có thật. Nhưng giữa “rừng” các chương trình liên kết đào tạo, người học cần thật sự tỉnh táo để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Bình An

 

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.