Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Các trường vùng sâu của huyện Krông Bông gặp khó

11:31, 25/10/2020

Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao là các xã vùng sâu của huyện Krông Bông, có đông học sinh người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất trường lớp học còn hạn chế nên các trường học ở đây gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ đầu năm học 2020 – 2021 đến nay, giáo viên dạy lớp 1 tại các trường vùng sâu của địa phương vẫn rất chật vật với chương trình học mới. Đa số các thầy cô thường rơi vào cảnh “cháy" giáo án khi giảng dạy bởi tỷ lệ học sinh/lớp cao, học sinh người dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt hạn chế, nhiều em tuy đã được học mẫu giáo nhưng vẫn chưa biết cầm bút, không nhớ mặt chữ cái, tiếp thu chậm, nhanh quên... Để học sinh phát âm đúng, viết được, nhiều thầy cô phải tìm mọi cách, kể cả sử dụng các phương pháp truyền thống; linh động giảm thời lượng của một số môn học khác để dành nhiều thời gian hơn cho môn tiếng Việt nhằm luyện đọc, luyện viết cho các em.

Cô H’Jen Đrao, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học xã Yang Mao lo lắng: “Lớp của tôi có 28 học sinh, chủ yếu là người dân tộc M’nông. Nhiều em tiếp thu hơi chậm, nhất là môn tiếng Việt. Khi đọc, các em phải phát âm lại rất nhiều lần nhưng vẫn không nhớ; khi tập viết, giáo viên phải cầm tay từng em trong lớp nên mất rất nhiều thời gian. Để thực hiện chất lượng một tiết dạy theo sách giáo khoa lớp 1 mới đối với học sinh ở đây, phải cần gấp đôi thời gian cho một tiết học theo quy định, nhất là đối với môn tiếng Việt”.

Cô Đỗ Thị Hậu, giáo viên lớp 1  Trường Tiểu học Cư Pui 1  (xã Cư Pui)  hướng dẫn  từng em  tập viết.
Cô Đỗ Thị Hậu, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Cư Pui 1 (xã Cư Pui) hướng dẫn từng em tập viết.

Thiếu biên chế giáo viên, thiếu phòng học nên một số trường có số lượng học sinh đông, thậm chí có những trường có số học sinh lớp 1 vượt quá 35 em/lớp, chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số. Điểm chính Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) có 5 lớp 1 nhưng có đến 181 học sinh (đa số là người dân tộc Hmông); hay như lớp 1 của Trường Tiểu học Cư Drăm (điểm chính) có đến gần 40 em/lớp. Điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) có 17 lớp (có 4 lớp 1) nhưng mới chỉ có 8 phòng học xây và 4 phòng học tạm; Trường Tiểu học Yang Hăn có 33 lớp (7 lớp 1) nhưng chỉ có 17 phòng học...

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Cư Drăm bày tỏ: “Học sinh của lớp tôi chủ nhiệm có đến 39 em, chủ yếu là người dân tộc Êđê. Nhiều em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, cần phải kèm cặp, hướng dẫn song do học sinh của lớp quá đông, thời gian lại có hạn nên giáo viên không thể nào kèm hết được tất cả các em”.

Có những học sinh đầu năm học đến lớp còn không có bảng con, phấn để tập viết.
Có những học sinh đầu năm học đến lớp còn không có bảng con, phấn để tập viết.

Việc học 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1 cũng là một khó khăn không nhỏ đối với các trường vùng sâu. Nhiều điểm lẻ của các trường mầm non ở đây chưa tổ chức được bán trú nên khi vào lớp 1 phải học cả ngày, nhiều em chưa thích nghi được, thường đi học muộn hoặc… nghỉ buổi học thứ hai. Các em vắng học với rất nhiều lý do như: gia đình ít quan tâm; cha mẹ đi làm ăn xa, giao phó việc đưa đón con cho ông bà hoặc để các em tự đi; nhiều em đi học xa vài cây số nên một số gia đình không có điều kiện đưa đón phải làm nhà tạm ở cạnh trường cho các em ở, tự sinh hoạt rất phức tạp.

Thiếu sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh cũng là thách thức lớn trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới ở các trường vùng sâu. Phần lớn phụ huynh phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường; ít quan tâm đến việc học tập của con em, nhất là việc nhắc nhở, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các em tự học ở nhà. Thậm chí vào đầu năm học, nhiều học sinh đến lớp vẫn thiếu sách, vở, đồ dùng học tập; về nhà không có bàn ghế, góc học tập, không có người hướng dẫn, kèm cặp. Cô Mai Thị Ngọc Liên, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Yang Mao cho hay: "Đầu năm học, một số gia đình chưa quan tâm trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Nhiều em đến lớp thiếu bảng con, vở viết, đồ dùng học tập. Giáo viên chủ nhiệm phải bỏ tiền mua tặng để các em có đồ dùng".

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.