Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội tranh tài, đoàn kết của các dân tộc thiểu số

11:33, 08/10/2020

Sôi nổi, hào hứng, quyết liệt song đầy tinh thần đoàn kết, thể thao cao thượng là cảm nhận của tất cả các vận động viên có mặt, tranh tài tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ XVII do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Dân tộc vừa tổ chức tại TP. Buôn  Ma Thuột.

Hội thao quy tụ hơn 600 vận động viên đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố, tham gia tranh tài ở 42 nội dung của 7 môn: bóng chuyền; bóng đá nam 5 người; chạy việt dã; đẩy gậy; bắn nỏ - ná; kéo co và cà kheo. Hội thao năm nay tuy vắng đơn vị mạnh là Trường Đại học Tây Nguyên song không vì thế mà kém phần hấp dẫn, bởi tất cả các địa phương đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi tổ chức hội thi từ cấp cơ sở để tuyển chọn vận động viên xuất sắc và tổ chức tập luyện bài bản, nghiêm túc cũng như chú trọng đầu tư cho các môn vốn là sở trường, thế mạnh của địa phương mình.

Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy, nội dung nam
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy, nội dung nam.

Đơn cử như huyện Krông Búk, huyện có phong trào thể dục thể thao trong đồng bào các dân tộc thiểu số sôi nổi chỉ tham gia với 49 vận động viên (bằng ½ so với chủ nhà đăng cai TP. Buôn Ma Thuột) song đã đầu tư trọng điểm cho môn thế mạnh của mình là đẩy gậy và kéo co. Chính vì vậy không có gì bất ngờ khi huyện Krông Búk đoạt đến 10/18 Huy chương Vàng ở cả hai nội dung nam, nữ đẩy gậy. Còn ở môn kéo co, huyện giành 2 Huy chương Vàng ở nội dung đồng đội nam, nội dung nam nữ phối hợp.

Tương tự, huyện Ea H’leo, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh chỉ chọn 11 vận động viên dự, tranh tài ở môn thế mạnh là bắn ná, bắn nỏ và đoạt đến 5/8 Huy chương Vàng nội dung của cả 2 môn, trong đó vận động viên Quách Mạnh Cường giành cả 2 Huy chương Vàng môn bắn nỏ ở nội dung đứng bắn và quỳ bắn. Hai tấm Huy chương Vàng ở môn bắn ná do công của Vũ Nguyên Thanh và Triệu Minh Vương. Tấm Huy chương Vàng thứ 5 thuộc về vận động viên Hoàng Thị Kim Oanh.

Trong khi đó, huyện Krông Bông đưa lực lượng mạnh nhất tranh tài ở môn cà kheo với tham vọng đoạt Huy chương Vàng cả 6/6 nội dung. Tuy chưa đạt mục tiêu, nhưng với với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng đoạt được ở các nội dung, giành tổng số điểm là 64, huyện Krông Bông hoàn toàn hài lòng với sự đầu tư của mình. Huyện cũng tự hào khi có vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất hội thi là H’Lý Êung đoạt đến 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Vận động viên thi đấu chung kết môn kéo co nữ.
Vận động viên thi đấu chung kết môn kéo co nữ.

Sự cạnh tranh quyết liệt, gay gắt giữa các địa phương đã khiến hội thi diễn ra sôi nổi, hấp dẫn hơn trong cuộc đua đến bảng tổng sắp, bởi nếu như ở những hội thi trước, chủ nhà đăng cai có nhiều lợi thế giành giải Nhất toàn đoàn thì năm nay quy luật đó đã thay đổi. Nếu năm 2018, TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị đăng cai giành giải Nhất toàn đoàn, đến năm 2019 vị trí trên nhường lại cho chủ nhà Krông Bông thì năm 2020, huyện Krông Búk vươn lên xếp vị trí Nhất toàn đoàn, đẩy chủ nhà TP. Buôn Ma Thuột xuống vị trí thứ Ba, còn thị xã Buôn Hồ xếp thứ Nhì toàn đoàn. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, bởi kết quả xếp hạng toàn đoàn phản ánh rõ sự phát triển hay thụt lùi của phong trào thể dục thể thao trong đồng bào các dân tộc thiểu số của các huyện, thị xã, thành phố, để từ đó từng địa phương có chiến lược đầu tư đúng đắn, bài bản hơn, nếu không muốn bị “tụt hậu”.

Cùng với không khí cạnh tranh hấp dẫn, hội thi đã trở thành dịp để các anh em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Em Lý Thị Thân (dân tộc Nùng) đến từ huyện vùng xa M'Drắk, tham gia môn bóng chuyền hào hứng: "Đây là lần đầu em được chọn dự hội thao nên rất vui, bởi ngoài việc có dịp thi đấu, thử sức mình với những đội bóng khác thì đây cũng là cơ hội để em gặp gỡ, làm quen, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc anh em qua bộ trang phục truyền thống cũng như có dịp khám phá, tìm hiểu TP. Buôn Ma Thuột tươi đẹp". Trong khi đó "cựu binh" của hội thi, anh Y Lut Niê đã từng 17 lần tham dự thì chia sẻ anh luôn tràn đầy cảm xúc mỗi lần có mặt tranh tài, vui mừng khi thấy thanh thiếu niên vẫn duy trì, tập luyện, giữ gìn các môn thể thao truyền thống, tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc.

Qua hội thi, Ban tổ chức đã tuyển chọn được lực lượng vận động viên tiêu biểu nhất, thành lập 2 đội tuyển kéo co và đẩy gậy, chuẩn bị tham dự Giải vô địch kéo co và đẩy gậy toàn quốc năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 15-10 sắp tới do Đắk Lắk là chủ nhà đăng cai.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.