Multimedia Đọc Báo in

Những công cụ thông minh

09:25, 29/11/2019

Chân giả được trang bị trí thông minh nhân tạo

Chân giả trí tuệ nhân tạo (AI) là sản phẩm mới của các chuyên gia ở Đại học Utah (Mỹ) vừa sáng chế. Đây là chân giả thông minh được trang bị AI có thể dự đoán và phản ứng với hành động của người dùng, tạo ra dáng đi tự nhiên và cân bằng hơn khi di chuyển. Nó dựa vào cảm biến lực và mô-men xoắn chuyên dụng để theo dõi liên tục chuyển động của chân. Một máy tính mang trên người đảm nhận việc xử lý thông tin thông qua thuật toán AI xác định cụ thể hành động mà người dùng đang thực hiện và tự động điều chỉnh khuỷu khớp mắt cá chân và đầu gối để mang lại sự cân bằng tối ưu. Chân giả này được chế tạo bằng vật liệu chủ yếu là nhôm và titan, kim loại nhẹ nên toàn bộ thiết bị chỉ nặng khoảng 2,7 kg; pin nhỏ công suất lớn nên cũng giúp giảm trọng lượng cho chân. Qua thử nghiệm ở những tình nguyện viên cao niên cho thấy hiệu quả rất ấn tượng, người sử dụng có thể đi cầu thang nhanh hơn và giảm đến 30 % số lần vấp ngã, giúp người dùng dễ kiểm soát tốt hơn vì có thể cảm nhận như một phần cơ thể mình.

Thiết bị giúp cai nghiện Internet

Một nhóm sinh viên Đại học Indonesia (UoI) vừa phát triển một thiết bị đeo trên người có tên Nettox hỗ trợ người dùng cai nghiện Internet, giảm thời gian ôm máy tính hoặc dán mắt vào màn hình điện thoại. Nettox là thiết bị đeo ở cổ tay, được trang bị một cảm biến đo nhịp tim, oxy trong máu và nhịp tim không đều (HRV). Theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng điện thoại di động, Internet kéo dài sẽ làm giảm nhịp tim khiến nồng độ oxy trong máu rơi vào ngưỡng bất lợi, lúc này Nettox sẽ phát cảnh báo, nhắc nhở người dùng ngừng sử dụng Internet. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nhóm người từ 18 đến 25 tuổi nên duy trì nhịp tim lý tưởng trên 60, nhưng những người nghiện điện thoại di động và Internet có khi giảm chỉ còn 40 - 45. Chỉ số HRV thay đổi tùy thuộc cơ địa từng người, giới tính song nếu quá thấp quá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch.

Chăn chống hỏa hoạn

Sau 10 năm nghiên cứu, nhóm chuyên gia ở Đại học Case Western Reserve (CWRU) - Mỹ vừa phát triển thành công vật liệu phủ dạng chăn để chống cháy, bảo vệ các công trình nhà ở lẫn con người trong các vụ hỏa hoạn. Qua một loạt các thử nghiệm cho thấy những tấm chăn này có thể bảo vệ các ngôi nhà bằng gỗ không bị hỏa hoạn khi đám cháy di chuyển qua. Nguyên thủy, ý tưởng bọc nhà bằng vật liệu chống cháy ra đời từ năm 1944 bởi nhà khoa học Fumi Takahashi ở CWRU nhưng nay mới trở thành hiện thực; không chỉ bảo vệ các ngôi nhà khi cháy rừng, mà còn có thể ứng dụng cho các mục đích tương tự khác. Những chiếc chăn này được làm từ sợi thủy tinh hoặc silica vô định hình được ép bằng lá nhôm phản xạ nhiệt, có thể bảo vệ công trình khỏi nhiệt độ cao trong thời gian 10 phút, đủ để tránh hư hại trong các trận cháy rừng có tốc độ lớn di chuyển qua hoặc chờ cứu hộ đến ứng cứu.

Siêu kim loại không thể chìm trong nước

Lấy cảm hứng từ kiến lửa và nhện chuông, các nhà khoa học ở Đại học Rochester (UoR) - Mỹ đã cho ra đời loại kim loại mới kháng nước, không thể chìm trong nước. Theo nhóm đề tài, kiến lửa và nhện chuông có thể nổi trên mặt nước giống như những chiếc bè vì chúng “nhốt không khí” trong các chi và dưới bụng. Từ đặc điểm đó, các nhà khoa học đã sử dụng chùm tia laser ngắn khắc những đường siêu nhỏ lên bề mặt lá nhôm để giữ không khí dạng bong bóng bên trong. Hai miếng nhôm đã qua xử lý được đặt đối mặt với nhau, có khoảng không vừa đủ ở giữa để tạo ra bong bóng khí siêu kháng nước. Thậm chí khi nhấn chìm, kim loại này vẫn nổi lên nhờ áp suất được giải phóng. Loại kim loại này có dùng đóng thuyền bè, thiết bị thủy và các ứng dụng tương tự khác.

Hình ảnh miếng kim loại nổi trên mặt nước sau khi được xử lý bằng công nghệ cao.
Hình ảnh miếng kim loại nổi trên mặt nước sau khi được xử lý bằng công nghệ cao.

Kim thông minh có thể phát hiện ung thư nhanh chóng

Loại kim có tên Raman do các chuyên gia ở Đại học Bristol (Anh) phát triển là một đầu dò thông minh dạng kim tiêm, bao gồm các sợi quang được bọc trong một chiếc kim mảnh, sử dụng ánh sáng để phát hiện ung thư ngay lập tức, nhất là loại ung thư dưới bề mặt da như ở các tuyến cổ. Kim thông minh dựa vào quang phổ Raman để đo ánh sáng từ tia laser năng lượng thấp tán xạ khi gặp phải mô cơ thể. Vì các mô khỏe và mô bệnh phân tán ánh sáng khác nhau nên hệ thống xác định sự hiện diện của bệnh chỉ trong vài giây.

Bắc Giang

(Dịch từ JPJ/NSC/DM/IDC/ IDC- 11/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.