Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Nhiều người dân vùng sâu chưa nhận thức đúng về công tác tiêm chủng

09:03, 22/08/2019

Trong những năm qua, mặc dù ngành Y tế huyện M’Đrắk đã chú trọng triển khai đến công tác tiêm chủng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tại một số thôn, buôn vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện, việc tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn.

Thôn 4, xã Ea M’doal hiện có 122 hộ, 730 nhân khẩu, 98% dân số trong thôn là đồng bào dân tộc Hmông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Đời sống của người dân còn khó khăn, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, nhận thức chưa đầy đủ nên hầu hết các hộ dân chưa chú trọng đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cũng như đưa trẻ đi tiêm chủng. Vì vậy, nhiều năm qua, thôn 4 là một trong những điểm “nóng” trong công tác tiêm chủng của xã Ea M’doal.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xã chỉ có 31/54 trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ, chiếm tỷ lệ 57,4% (trong đó, thôn 4 chỉ có 5/31 trẻ được tiêm phòng). Trước thực trạng đó, Trạm Y tế xã đã thành lập điểm tiêm chủng tại thôn 4, tích cực vận động người dân đưa con em tiêm chủng đúng lịch. Tuy nhiên cách làm này cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cán bộ y tế tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế xã Ea M'doal.
Cán bộ y tế tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế xã Ea M'doal.

Với 11 buôn, 2 thôn gồm 1.336 hộ, 5.932 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%, công tác tiêm chủng tại xã vùng sâu Ea Trang cũng rất khó khăn. Theo chị Nguyễn Thị Huế, cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng xã Ea Trang, khó khăn nhất vẫn là ở một số thôn, buôn cách xa trung tâm xã như thôn Ea Kiêu, Ea Boa, Ea Bra, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của người dân chật vật, nhận thức của bà con còn hạn chế.

Như gia đình chị Thào Thị Thúy Phượng (thôn Ea Bra) sau khi đưa cô con gái gần 2 tuổi đi tiêm phòng mũi một vắc xin 5 trong 1 thì cháu bị sốt nên đến mũi thứ hai và thứ ba chị không cho con mình đi tiêm nữa. Mặc dù đã được cán bộ y tế giải thích đó là biểu hiện bình thường sau tiêm cũng như tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch nhưng chị Phượng vẫn không nghe.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, ngành Y tế huyện M’Đrắk đã triển khai 7 vòng tiêm chủng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn huyện giảm 17,4%; tiêm phòng lao giảm 4%, tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 3 giảm 8,2%, tiêm vắc xin bại liệt mũi 3 giảm 3,5%, vắc xin sởi giảm 5%, trẻ được bảo vệ uốn ván sơ sinh giảm 6%... Tỷ lệ tiêm chủng thấp chủ yếu rơi vào những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như xã Krông Jing giảm 29,5%; Ea M’doal giảm 12,6%; Ea Trang giảm 10,8%; Cư San 10,6%...

Theo bác sĩ Y San Đra Byă, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn huyện giảm là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng, tác dụng của việc tiêm chủng còn hạn chế; tâm lý lo lắng do chưa hiểu được những biểu hiện của việc tiêm chủng; bên cạnh đó, nhiều hộ lo thu hoạch nông sản nên không đưa con đi tiêm đúng lịch… “Trong thời gian tới, ngành Y tế huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác tiêm chủng”, bác sĩ Y San nhấn mạnh.

Thuý Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.