Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh suy giãn tĩnh mạch

09:38, 01/03/2020

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh khá phổ biến, chủ yếu ở những người trên 30 tuổi, thường xảy ra ở cả nam và nữ song tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân. Bệnh tuy lành tính nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện điều trị đúng cách.

Bác sĩ CKII Ngô Văn Hùng, Trưởng Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác nhưng hiện nay do lối sống hiện đại, bệnh này đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, thay đổi nội tiết tố hay thói quen ít vận động khiến các van mạch máu làm việc nhiều hơn dẫn đến suy yếu hoặc bị hỏng. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là phụ nữ trong độ tuổi 35 - 50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều, có thói quen đi giày cao gót…

Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cũng thường mờ nhạt và thoáng qua; người bệnh thường có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, châm chích, cảm giác như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Như trường hợp bà Trương Thị Lam (55 tuổi, ở thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) thấy hai chân có những tia máu từng mảng giống như mạng nhện màu xanh tím càng lúc xuất hiện càng nhiều, lâu lâu bị nặng chân và có cảm giác như kim chích song bà cứ nghĩ là do mình sinh nhiều nên mạch máu giãn ra và nổi gân lên. Gần đây thấy chân nhức mỏi nhiều khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, bà Lam đến phòng khám chuyên khoa tim mạch thì được các bác sĩ chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch.

Trường hợp khác là chị Đoàn Hải Lý (ở khối 7, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên bị tê bì chân tay nhưng không tìm ra bệnh. Khi đi khám, bác sĩ phát hiện vùng chân của chị chi chít các ổ suy tĩnh mạch bằng những gân xanh, gân đỏ nổi lên. Lúc này, chị Lý mới giật mình vì từ trước tới nay chị nghĩ rằng do da mỏng nên nhìn rõ gân và mạch.

Có trên 75% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới như khẻo chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi. Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh. Giãn tĩnh mạch nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Những biểu hiện hay gặp nhất là có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn. Chuột rút là một triệu chứng có thể gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch nhưng không phải hễ chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch, bởi chuột rút còn do nhiều nguyên nhân khác như cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải (natri, magiê, canxi, kali...), hoặc do đái tháo đường...

Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên,  biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân, bác sĩ Ngô Văn Hùng lưu ý nên tránh đứng lâu, đứng nhiều một chỗ, khi ngồi không vắt chéo chân, tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Khi ngủ kê hai chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để máu lưu thông được dễ dàng. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố, nhất là các loại quả, rau để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch. Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám và điều trị thích hợp. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân theo xu hướng vuốt dọc từ mu bàn chân lên cẳng chân, đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.