Multimedia Đọc Báo in

Không để bệnh bạch hầu lây lan rộng

11:22, 10/07/2020

Ngay sau khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng cách ly, không để bệnh lây lan rộng.

Ngăn chặn bệnh lây lan

Chiều ngày 7-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) nhận thông báo kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định bệnh nhân H’Buôn Jiê, 52 tuổi, ở buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk dương tính với bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng nhằm ngăn chặn bệnh lây lan rộng.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với những người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với những người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk.

Từ chiều ngày 7-7 đến sáng ngày 8-7, cơ quan chức năng đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực buôn Diêo với 169 hộ gia đình; lập 3 chốt chặn ở các cửa ngõ ra vào buôn Diêo để kiểm soát người ra vào khu vực này nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra bên ngoài. Ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 10 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho gần 200 trẻ 7 tuổi tại trường học và cộng đồng, tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng Erythromycine và lập kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván cho toàn bộ hơn 700 người dân trong buôn. Bên cạnh đó, ngay trong sáng 8-7, hệ thống loa truyền thanh cơ sở trên toàn huyện Lắk đã phát các bản tin về bệnh bạch hầu, hướng dẫn người dân cách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Tinh thần làm việc khẩn trương, chu đáo của các ngành chức năng đã giúp người dân buôn Diêo bớt lo lắng, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chị H’Phách Jiê, con gái bệnh nhân H’Buôn cho biết: “Bản thân tôi trước đây chưa biết gì về bệnh bạch hầu. Đến khi mẹ tôi mắc bệnh, các nhân viên y tế đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh này”. Còn chị H’Pha Jiê, một người dân trong buôn cho hay, thông qua sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ y tế, chị đã đưa hai con 10 tuổi và 18 tháng tuổi đi tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Theo ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh bạch hầu của huyện; có văn bản triển khai cho các xã, thị trấn chủ động công tác phòng ngừa bệnh bạch hầu. Đồng thời phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế triển khai các giải pháp từ điều trị đến dự phòng, cũng như khoanh vùng dập dịch. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh.

Tăng cường các giải pháp "dài hơi"

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là sau khi có ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, chủ động phòng, chống bệnh, phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời tổ chức cách ly, điều trị và xử lý triệt để; rà soát đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu, đảm bảo đạt tỷ lệ 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án phân luồng, sàng lọc khám các trường hợp có triệu chứng viêm họng cấp; sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Đến ngày 7-7, toàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 63 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Gia Lai và Đắk Nông.

Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, đối với các giải pháp khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu trên địa bàn, ngành Y tế sẽ đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao, đó là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động tiêm chủng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng người dân để họ hiểu và chủ động thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó sẽ thành lập tổ công tác lưu động phòng chống dịch, khi cần có thể đến các khu vực có nguy cơ cao để thực hiện “4 cùng”, hướng dẫn nhân viên y tế và người dân chống dịch theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi ở buôn Diêo.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi ở buôn Diêo.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh bạch hầu. Bởi trên thực tế, những trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên thời gian qua hầu hết đều rơi vào các thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số - nơi có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp so với các vùng còn lại. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có chủ trương triển khai Chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng bệnh bạch hầu cho người dân 4 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk. Do đó, người dân trên địa bàn cần chấp hành đúng lịch tiêm vắc xin phòng bệnh theo quy định của ngành Y tế.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.