Multimedia Đọc Báo in

Những chặng đường không thể nào quên

08:59, 15/01/2021

Cách đây tròn 45 năm ngày 15-1-1976, Báo Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 18/QĐ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Từ đó đến nay, vượt qua những khó khăn thiếu thốn do hoàn cảnh xã hội cũng như những yêu cầu đòi hỏi của từng giai đoạn phát triển, các thế hệ làm báo của Báo Đắk Lắk đã luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trọng trách là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Làm báo những ngày đầu gian khó

Khi mới thành lập, Báo chỉ xuất bản 2 kỳ/tháng, mỗi số báo chỉ 4 trang, nhưng phải mất gần cả tuần lễ mới in xong. Do lực lượng thuở ban đầu rất mỏng, nên mỗi cán bộ, phóng viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc từ lấy tư liệu viết tin bài, gây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở đến xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung và hình thức các trang báo. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, Tòa soạn tuyển chọn một số thanh niên đã qua bậc trung học phổ thông để đưa đi đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ phóng viên của Báo về lâu dài.

Giai đoạn 1976 – 1980, cùng với việc tuyển phóng viên, Báo Đắk Lắk còn được tăng cường thêm lực lượng là phóng viên từ báo khác đến và các học viên báo chí tốt nghiệp Trường Tuyên huấn Trung ương. Trong các năm 1978, 1979 tỉnh mở hàng chục công trình thủy lợi lớn như đập Krông Búk hạ (huyện Krông Pắc), hồ Ea Kao (thị xã Buôn Ma Thuột), khai hoang cánh đồng Buôn Triết (huyện Lắk), Buôn Trấp (huyện Krông Ana)… Cùng với việc bám sát thực tế và phản ánh kịp thời phong trào lao động sản xuất, cán bộ, phóng viên của Báo đã luân phiên xuống công trường làm lán trại, tăng gia sản xuất, tham gia lao động cùng các ban, ngành của tỉnh; phát động quần chúng chống Fulrô… Nội dung thông tin trên Báo Đắk Lắk trong giai đoạn này chủ yếu là phản ánh về xây dựng cuộc sống mới; khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh; hoạt động của các nông trường quốc doanh cà phê, cao su, các lâm trường mới thành lập; chiến tranh biên giới Tây Nam…

Phóng viên Báo Đắk Lắk làm việc tại Tòa soạn.    Ảnh: Phạm Huỳnh
Phóng viên Báo Đắk Lắk làm việc tại Tòa soạn. Ảnh: Phạm Huỳnh

Từ năm 1982 - 1985, lực lượng phóng viên của Báo tiếp tục được tăng cường, chủ yếu là từ các ngành và một số người là giảng viên đại học, cao đẳng. Thông tin trên Báo giai đoạn này được mở rộng ra nhiều lĩnh vực như: phong trào định canh định cư; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào các nông – lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất; quản lý thị trường, xây dựng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh; hình thành các vùng chuyên canh lúa nước; thi công công trình thủy điện Dray H’linh; phong trào “ngói hóa” xóa trường học tạm; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…

Những dấu ấn trong thời kỳ đổi mới

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo như một luồng gió mới thổi vào đời sống báo chí. Những năm 1987, 1988 ngoài các mảng đề tài tuyên truyền chủ yếu có từ trước đó, Báo Đắk Lắk bắt đầu có những bài điều tra, phóng sự về những mặt trái của đời sống xã hội như biểu hiện thiếu dân chủ ở cơ sở, đặc quyền đặc lợi trong phân phối hàng hóa, sự lạm quyền của một số cơ quan pháp luật… Bắt đầu từ những năm 1990 trở đi Báo đã thể hiện vai trò giám sát, phản biện khá rõ với những bài viết về sự buông lỏng trong quản lý bảo vệ rừng, trong lĩnh vực tư pháp như tòa án, thi hành án; xu hướng “lạm phát” xây dựng các công trình văn hóa; tình trạng di dân tự do, tệ nạn ma túy, mại dâm… Tuy nhiên, mảng đề tài biểu dương các điển hình tiên tiến vẫn là chủ đạo với nhiều nhân tố nổi bật trong đổi mới tư duy kinh tế; đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; phát triển cao su tiểu điền; thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động; gương lao động giỏi, những giáo viên bám trụ vùng sâu để mang con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng. Giai đoạn 1986 – 2003 cũng là thời kỳ mà Báo Đắk Lắk có sự trưởng thành về nhiều mặt. Cùng với sự tăng cường về lực lượng phóng viên ngày càng đông đảo, nhiều cây bút của Báo đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng báo ở Đắk Lắk. Minh chứng cho điều đó là Báo đã nhiều lần đoạt các giải thưởng cao của Hội Nhà báo tỉnh và đã có 3 phóng viên của Báo Đắk Lắk đoạt Giải Báo chí toàn quốc (nay là Giải Báo chí quốc gia).

Một dấu mốc đặc biệt quan trọng trên những chặng đường phát triển của Báo là ngày 15-10-2009, Báo Đắk Lắk điện tử ra đời. Từ đây, bên cạnh báo in, độc giả của Báo đã được tiếp nhận thêm nhiều thông tin nhanh nhạy, kịp thời từ báo điện tử. Báo Đắk Lắk điện tử thường xuyên có sự thay đổi về giao diện, nội dung ngày càng sinh động, phong phú, thu hút bạn đọc truy cập, nhất là sau khi Báo Đắk Lắk điện tử đã tích hợp giao diện cho smartphone càng thuận tiện cho việc tìm đọc trên điện thoại ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, từ năm 2018 Báo Đắk Lắk áp dụng mô hình Tòa soạn điện tử. Đây là một sự thay đổi cần thiết và tất yếu nhằm đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của nghề báo trong thời đại 4.0.

Cộng tác viên Nguyễn Trung Hải thăm hỏi, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông A Thiết ở buôn Aring, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cộng tác viên Báo Đắk Lắk Nguyễn Trung Hải thăm hỏi một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở buôn Aring, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến nay, Báo Đắk Lắk đã phát hành đủ tất cả các ngày làm việc trong tuần: Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và Đắk Lắk Cuối tuần (chủ nhật) cùng phát hành vào sáng thứ sáu; ngoài ra còn có ấn phẩm Đắk Lắk Nguyệt san phát hành vào ngày 25 hằng tháng. Bên cạnh việc tăng kỳ xuất bản, nội dung và hình thức tờ báo không ngừng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp của báo chí hiện đại.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Báo Đắk Lắk thường xuyên quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội. Báo đã thành lập Quỹ Tấm lòng vàng để hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng từ  kinh phí đóng góp ủng hộ của bạn đọc và các nhà hảo tâm. Từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, Báo đã tổ chức trao học bổng Niềm hy vọng và học bổng của Chương trình Chung tay vì cộng đồng, tặng quà cho hàng nghìn học sinh nghèo hiếu học. Nhiều năm qua, Báo đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp và cùng với sự đóng góp của cán bộ công nhân viên cơ quan xây nhiều nhà Tình nghĩa tặng gia đình chính sách, hộ nghèo tại các địa phương trong tỉnh.

Để xứng đáng với vai trò của cơ quan ngôn luận

Ghi nhận sự phấn đấu, nỗ lực trên suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Báo Đắk Lắk đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý; nhiều năm liền được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác. Đặc biệt, Báo Đắk Lắk đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1996), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007). Đội ngũ phóng viên của Báo đã có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí hằng năm của Hội Nhà báo tỉnh; giành nhiều giải thưởng báo chí do các bộ, ngành, Trung ương tổ chức...

Trên suốt chặng đường 45 năm qua, các thế hệ làm báo của Báo Đắk Lắk luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Với niềm đam mê nghề báo, nhiều phóng viên của Báo đã không quản ngại gian khó đến tận những buôn làng xa xôi, heo hút để "săn" tìm thông tin, hình ảnh cho những bài báo mà mình tâm đắc, ấp ủ. Không ít phóng viên là nữ nhưng vẫn xông pha nơi cơn lũ dữ vừa đi qua, hay tại nơi đang ứng cứu tuyến đê bao bị vỡ trong mùa mưa bão; hoặc có mặt giữa vùng khô hạn nắng cháy da để cùng thấu hiểu, chia sẻ với nỗi âu lo của những nông dân đang đối mặt với thiên tai hạn hán… Trong năm 2020 vừa qua, dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh và dễ lây lan trên diện rộng. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các phóng viên của Báo Đắk Lắk đã theo sát đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch để kịp thời nắm bắt, chuyển tải những thông tin, hình ảnh mà độc giả đang chờ đợi…

Để có được những bước trưởng thành của Báo Đắk Lắk như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự động viên khích lệ của lãnh đạo tỉnh dành cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong cung cấp thông tin cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên của Báo khi tác nghiệp. Đặc biệt, người bạn đồng hành thân thiết và tin cậy của Báo Đắk Lắk từ ngày thành lập đến nay là bạn đọc và đội ngũ cộng tác viên. Với tình cảm tin yêu, nhiều bạn đọc đã có những đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm với mong muốn tờ báo ngày càng hay hơn, đẹp hơn, xứng đáng với vai trò của một cơ quan ngôn luận. Lực lượng cộng tác viên đông đảo của Báo ở trong và ngoài tỉnh lên đến hàng trăm người chính là “cánh tay nối dài” của Tòa soạn, góp phần đắc lực vào việc làm cho thông tin trên Báo Đắk Lắk thêm phong phú, nhanh nhạy, phản ánh kịp thời và toàn diện các hoạt động, sự kiện đáng quan tâm diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Báo Đắk Lắk đến với những người lính Hải quân.   Ảnh: Mai Thắng
Báo Đắk Lắk đến với những người lính Hải quân. Ảnh: Mai Thắng

Tự hào với những thành quả đạt được trên chặng đường đã qua, nhưng đội ngũ những người làm báo của Báo Đắk Lắk hôm nay tự nhận thấy rằng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Trước hết, bản thân mỗi nhà báo phải luôn giữ vững lập trường chính trị tư tưởng, tinh thông nghiệp vụ và luôn cháy bỏng niềm đam mê nghề nghiệp. Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu của tờ báo Đảng địa phương, có nhiều bài viết phê phán, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh việc biểu dương những điển hình, nhân tố mới, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những sai trái, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, là kênh thông tin chính thống, cùng với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, những bài viết trên Báo thể hiện rõ nét tính phản biện vì đó là một trong những chức năng quan trọng của báo chí hiện nay… Đây là những đòi hỏi mà những người làm báo của Báo Đắk Lắk luôn phải coi trọng và quyết tâm thực hiện để thông qua đó khẳng định uy tín và vị thế của tờ báo trong lòng bạn đọc. 

Lê Quang Ánh

(Phó Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.