Multimedia Đọc Báo in

Quà tặng dành cho sự tử tế

17:02, 28/11/2020

Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020 đã thu hút gần 150 ý tưởng, dự án tham gia dự thi.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Cuộc thi được tổ chức và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều đơn vị, cá nhân. Đây là minh chứng cho khát vọng đổi mới sáng tạo cũng như sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Ảnh: Khả Lê
Thí sinh Lê Thị Mùi (huyện Krông Pắc) trình bày phần thi thuyết trình. Ảnh: Khả Lê

Đêm chung kết và trao giải Cuộc thi được tổ chức vào tối 21-11 vừa qua và được truyền hình trực tiếp tới đông đảo công chúng. Chứng kiến cuộc đua tài giữa ba thí sinh xuất sắc nhất được chọn thuyết trình về dự án của mình trong đêm chung kết, nhiều khán giả ấn tượng với dự án “Nghệ thuật tranh giấy xoắn” của thí sinh Lê Thị Mùi (huyện Krông Pắc).

Điều đặc biệt của dự án này không phải ở tầm vóc, quy mô mà là đã tạo việc làm cho nhiều trẻ em khuyết tật, trong đó có những em bị câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Chủ nhân của dự án là cô gái trẻ có một tâm hồn nhân hậu và tấm lòng trĩu nặng tình người khi luôn hướng về những phận đời không may mắn. Không chỉ cháy bỏng khát vọng khởi nghiệp và tự tin dấn bước trên con đường khởi sự kinh doanh đầy thử thách, chị còn là người truyền cảm hứng và động lực cho các trẻ em khuyết tật đang làm việc tại cơ sở làm tranh của mình. Là điểm tựa tinh thần đầy tin cậy, chị đã giúp các em vượt qua mặc cảm tật nguyền, “khởi nghiệp” mưu sinh nhằm tự nuôi sống bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Khi một giám khảo hỏi “Em cần số vốn bao nhiêu để phát triển dự án của mình?”, chị đã thành thật bày tỏ là cần khoảng 50 triệu đồng để xưởng làm tranh có được không gian rộng rãi hơn. Nghe vậy và cảm kích trước một dự án khởi nghiệp hàm chứa ý nghĩa thiện nguyện, hai vị giám khảo đã ngỏ lời sẽ tặng 100 triệu đồng nhằm giúp chị có thêm cơ hội thực hiện được ước mong cao đẹp của mình. Quá bất ngờ với món quà như là một nghĩa cử đến từ sự đồng cảm, chị xúc động nghẹn ngào đến trào rơi nước mắt trên sân khấu!

Phần dự thi thuyết trình của chị đã nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả có mặt tại đêm chung kết. Mọi người cổ vũ không phải vì chị là một người khởi nghiệp tài ba với triển vọng doanh thu lên đến hàng tỷ đồng, mà bởi chị và dự án kiến tạo việc làm cho trẻ khuyết tật đã làm lay động lòng người, vì nó như là một thông điệp về tình yêu thương đối với những thân phận kém may mắn trong cuộc đời này. 

Mới khởi sự kinh doanh, ngoài niềm đam mê còn cần sự tính toán và cái đầu lạnh, chị còn là người có trái tim ấm áp khi biết sẻ chia với những người yếu thế. Đó là điều thật đáng trân trọng mà không định lượng vật chất nào so sánh được. Bởi vì, thời nay có không ít người tìm cách làm giàu bằng mọi giá, giẫm đạp lên các giá trị luân lý và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Dù không giành được giải thưởng cao nhất nhưng dự án “Nghệ thuật tranh giấy xoắn” đầy ý nghĩa nhân văn của cô gái trẻ Lê Thị Mùi đã nhận được sự cảm phục, trân quý từ công chúng và Ban giám khảo cũng như khán giả theo dõi Cuộc thi qua màn ảnh truyền hình. Đó là món quà tặng dành cho sự tử tế, cho một triết lý kinh doanh không đặt giá trị lợi nhuận lên thành mục đích tối thượng!

Quang Ánh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.