Multimedia Đọc Báo in

Người họa sĩ nặng tình với Tây Nguyên

06:57, 24/07/2016

Hơn 50 năm gắn bó với hội họa, họa sĩ Phan Thế Cường đã sáng tác hàng trăm bức tranh, ký họa. Ông có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia (1972 - 1979) và có tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980.

Các tác phẩm của ông đã đoạt nhiều giải thưởng như: Giải thưởng B1 Hà Nội năm 1979, giải Tặng thưởng khu vực VII của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2010, giải thưởng Dục Thanh tỉnh Bình Thuận năm 2011… Trong những tác phẩm của ông, có rất nhiều tranh sáng tác về Tây Nguyên, nơi ông từng sống và công tác.

Tác phẩm
Tác phẩm "Tây Nguyên mừng chiến thắng" của họa sĩ Phan Thế Cường.

Họa sĩ Phan Thế Cường sinh năm 1939 tại Nam Định. Hiện nay, ông sống cùng con cháu ở TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận. Mặc dù Nam Định - nơi ông sinh ra, lớn lên và Bình Thuận - nơi ông đang sinh sống là hai nơi có ý nghĩa rất lớn với ông nhưng tranh của ông phần lớn lại có đề tài về Tây Nguyên. Ông kể lại: “Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật, năm 1966, tôi tình nguyện đi B, vào chiến trường Tây Nguyên đánh giặc. Tôi được điều về tỉnh Đắk Lắk làm cán bộ tuyên truyền. Vì thời ấy máy ảnh còn hiếm nên các họa sĩ có vai trò hết sức quan trọng.  Ngoài việc cầm súng chiến đấu và lao động sản xuất, tôi còn được giao nhiệm vụ vẽ tranh, ký họa trên sách, báo để tuyên truyền phục vụ cách mạng”. Đất nước thống nhất, Phan Thế Cường trở về Hà Nội học Đại học Mỹ thuật và tốt nghiệp năm 1979, sau đó ông được mời về giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Dù sau này không còn ở Tây Nguyên nhưng kỷ niệm về những đêm hành quân chiến đấu, về núi rừng cao nguyên hùng vĩ, về con người và lễ hội đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên… trong suốt gần 10 năm sống, chiến đấu ở vùng đất Đắk Lắk đã in đậm trong ký ức của ông. Những hình ảnh ấy được ông tái hiện trong những bức tranh của mình một cách sống động, chân thật đậm chất Tây Nguyên: “Bâng khuâng nhớ rừng”, “Dệt khố cho anh”, “Cô gái Bana”, “Ông trưởng bản”, “Lễ hội đâm trâu”, “Hội đua voi”, “Vũ điệu tiễn đưa”… Họa sĩ Phan Thế Cường trải lòng: “Tây Nguyên là nơi tôi khởi đầu sự nghiệp và cũng là nơi giúp tôi trưởng thành nên cảm xúc về tình đất, tình người nơi ấy thật khó nói hết. Tôi muốn giãi bày tình cảm của mình với đồng bào Tây Nguyên bằng hội họa. Tháng 3-1995, tôi đã triển lãm các tác phẩm về Tây Nguyên của mình tại nhà triển lãm Ngô Quyền, Hà Nội nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng Buôn Ma Thuột”. 

Tranh của Phan Thế Cường nhạy cảm và tinh tế. Dường như mọi khía cạnh, mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày đều được ông khắc họa tỉ mỉ, chi tiết trong tác phẩm của mình. Ông tâm niệm: “Bất cứ một ngành nghề nào muốn thành công thì mình phải đam mê và theo đuổi nó, nhất là đối với loại hình nghệ thuật hình tượng như hội họa. Muốn tác phẩm của mình được nhiều người yêu thích thì mình cần phải lao động nghiêm túc, phải sáng tạo và tìm ra cái mới. Một bức tranh cũng giống như một bài thơ hay một bài văn. Nó có bố cục, không gian, thời gian thể hiện qua đường nét và màu sắc của tranh...”.

Mới đây, họa sĩ Phan Thế Cường đã giới thiệu đến người yêu mến nghệ thuật hội họa cuốn sách mỹ thuật mang tựa đề “Phan Thế Cường - Việt Nam đất nước con người” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Tập sách tổng hợp 147 tác phẩm hội họa, ký họa; trong số đó có hơn một nửa tranh ông sáng tác về Tây Nguyên.    

Hồ Xuân Hải


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.