Multimedia Đọc Báo in

Giọng ca vàng của đại ngàn

16:42, 15/07/2017
Mỗi lần Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Pang Tiang Mik (tên thường gọi là Rôđa Mik) tham gia văn nghệ, giọng ca của chàng trai K’ho này làm rung động không biết bao trái tim người yêu nhạc. 

Mang âm sắc đại ngàn đến với mọi miền

Rôđa Mik sinh ra ở thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Yêu âm nhạc từ nhỏ nên ngoài việc lên nương phụ bố mẹ làm rẫy, anh thường xuyên góp mặt ở các hội diễn văn nghệ do trường, lớp, địa phương, Trung tâm Văn hóa huyện Đơn Dương tổ chức. Lớn lên trong không gian thấm đẫm văn hóa nghệ thuật, Rôđa Mik được các nghệ sĩ truyền dạy cách hát, hướng dẫn cách chơi trống, các loại đàn: ghita, pianô… Nhờ đó, tình yêu âm nhạc trong trái tim anh cũng lớn dần theo năm tháng.

Sau khi đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Lâm Đồng năm 2001, Rôđa Mik quyết tâm thử sức tại chương trình Sao Mai do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Phát hiện ra giọng ca khỏe khoắn, mang đặc trưng của Tây Nguyên đại ngàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội lúc bấy giờ là Nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên đã đặc cách Rôđa Mik vào học tại trường. Cũng từ đây, con đường đến với âm nhạc chuyên nghiệp của Mik trở nên gần hơn.

 Đại úy QNCN Pang Tiang Mik  (Rôđa Mik).
Đại úy QNCN Pang Tiang Mik (Rôđa Mik).

Khi nhắc đến người thầy đáng kính của mình, Rôđa Mik trân trọng: Không chỉ là người truyền thụ lại cho chúng tôi kiến thức âm nhạc, thầy còn là người cha, người anh đã thành lập ra ban nhạc Bazan, giúp chúng tôi thỏa niềm đam mê ca hát…

Nhờ sự dìu dắt của cố nhạc sĩ An Thuyên, suốt từ những năm 2001 – 2006, ban nhạc Bazan gồm 4 thành viên: Rôđa Mik; Phi Ưng, A Mư (dân tộc Bana); Y Ga Ria (con trai cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan) trở thành cái tên đình đám trong làng nhạc Việt với lịch diễn dày đặc, như làn gió mát cao nguyên thổi giữa lòng Hà Nội.

Gắn kết buôn làng

Năm 2009 đến nay, Rôđa Mik chuyển về công tác tại Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk). Ngoài biểu diễn phục vụ tại các chương trình, sự kiện lớn do Bộ Chỉ huy tổ chức, hằng năm, anh cùng đồng đội còn về các buôn làng vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng bà con.

Những chuyến cùng đồng đội về với buôn làng hát cho đồng bào nghe, “đồ nghề” Rôđa Mik mang theo thường chỉ có cây đàn ghi ta, nhưng những gì anh gửi đến người yêu nhạc bao giờ cũng dạt dào cảm xúc. Bà con truyền tai nhau, nghe có Mik về hát là phải đi xem bằng được. Trong chất giọng khỏe khoắn, trẻ trung của mình, anh thổi vào đó cái hồn của người Tây Nguyên chân chất; thổi cái nắng, cái gió, cái hoang dại của đại ngàn vào trong từng lời hát.

Bên cạnh âm nhạc, trong những chuyến về cơ sở, sống cùng buôn làng, anh quyết tâm học tiếng Êđê để hiểu và gần gũi với bà con hơn. Hiện tại, Rôđa Mik là một trong những hạt nhân chủ lực của Đội tuyên truyền bởi làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền; thành thạo cả tiếng K’ho, Êđê; nắm rõ mọi phong tục, tập quán của đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Rôđa Mik không thể quên chuyến công tác tại Trường Sa năm 2014. Hơn 2 tuần sống nơi hải đảo, được chứng kiến người chiến sĩ hải quân tuy vất vả, khổ cực, nhưng tình cảm luôn chan chứa khiến anh càng có thêm động lực để hát, để cháy hết mình, phục vụ đồng đội giữa biển đảo tiền tiêu.

Gắn bó với sự nghiệp ca hát, Rôđa Mik vẫn luôn trăn trở một điều: Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số có chất giọng tốt, hát hay, nhưng không có điều kiện để được học hành, đào tạo bài bản. Và anh mong sao có thể truyền đạt lại kiến thức mà bản thân có được cho mọi người để họ sẽ là hạt nhân văn nghệ của buôn làng, địa phương…

Trong sự nghiệp của mình, anh Rôđa Mik có một “bộ sưu tập” giải thưởng âm nhạc mà nhiều giọng ca chuyên nghiệp phải mơ ước, đáng kể nhất là: giải Nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Lâm Đồng (năm 2001), Quán quân cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội (năm 2004), huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2013).

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.