Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều suy ngẫm về ngôn ngữ “teen” trong giao tiếp của giới trẻ

08:32, 30/10/2012

 

Khái niệm “tuổi teen” được ra đời xuất phát từ cách giới hạn độ tuổi vị thành niên trong tiếng Anh, theo số đếm thì tuổi teen được xác định nằm trong khoảng từ 13-19 tuổi (thirteen – nineteen). Rồi cũng từ đó, tất cả những gì mang dáng dấp, phong cách của lứa tuổi này (thời trang, tính cách, lối sống…) đều mặc nhiên được gọi là “teen”. Không ngoại lệ, đối với ngôn ngữ giao tiếp, các bạn cũng tự “sáng tạo” ra cho mình cái gọi là “ngôn ngữ teen” và lan truyền mạnh mẽ trong hầu hết giới trẻ với tư cách là một “thương hiệu”, thể hiện bản sắc, tính đặc thù riêng có ở lứa tuổi này.

Người viết đã thực sự bất ngờ và cảm thấy buồn cười khi một lần nhận được tin nhắn từ một sinh viên: “Em chao thay ak. Thay ui, sáng hum ni nha em co viek, thay cho em nghi hok mot bui dk ko ak?” (Tạm dịch: Em chào thầy ạ. Thầy ơi, sáng hôm nay nhà em có việc, thầy cho em nghỉ học một buổi được không ạ?). Dẫn ra để thấy rằng, có lẽ người sử dụng đã không nghĩ đến việc đang giao tiếp với ai và cái thói quen sử dụng “thương hiệu ngôn ngữ” là có thật. Có thể lấy ví dụ một số cách “sáng tạo” ngôn từ đầy biến hóa của giới trẻ, như: ơi  ui, rồi -> rùi, quê -> we, hôm nay -> hum ni, học -> hok, bạn -> pạn, trời ơi -> trui ui... và vô vàn sự phá cách và biến tướng khác, như: đi đâu vậy -> đi đâu zậy, ăn cơm chưa -> ăn kơm chưa, có việc gì thế -> có việk j thế, bà con ơi -> pà con ui, mình biết rồi -> mik bit rui, bây giờ đi đâu đây -> bi jo (yo) đi đâu đây… Bên cạnh đó, các ngôn từ mang tính biểu cảm cũng tích cực được sử dụng: hihi, haha, hic, huhu; đó là chưa kể đến việc quên luôn cả việc chấm phẩy để chuyển ý và viết hoa tên riêng, địa danh… Tai hại hơn, vì đã trở thành thói quen, thi thoảng cũng bắt gặp “thương hiệu ngôn ngữ” này ở ngay cả bài kiểm tra, bài thi kết thúc học phần của sinh viên.

Nhiều lần gặng hỏi để biết được lý do của trào lưu dùng từ này, tôi hầu hết nhận được câu trả lời của sinh viên là “viết thế cho nhanh, cho tiện” hay “để tiết kiệm ký tự”... Nếu chỉ để tiết kiệm thời gian và ký tự so với việc xây dựng cho mình một thói quen sử dụng ngôn ngữ tốt, chặt chẽ, logic (đúng ngữ pháp, chính tả, có tính thẩm mỹ) thì lý do này có vẻ chưa được hợp lý và suy nghĩ còn hơi nông cạn! Vậy, đâu là nguyên nhân?

Thứ nhất, có thể khẳng định, đây là kết quả của quá trình lây lan tâm lý. Những cái mới, lạ khi đã được định hình trong một bộ phận giới trẻ, thị hiếu đó nhanh chóng tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Bởi suy cho cùng, bất kỳ một hiện tượng mới nào, dù xấu hay tốt, giới trẻ bao giờ cũng là đối tượng tiếp thu sớm nhất và nhanh nhất.

Thứ hai, hiện trạng này sở dĩ tồn tại phổ biến có thể xuất phát từ sự bắt chước. Có thể một số em nhiều khi không hiểu hết được ý nghĩa, cách thức dùng từ, nhưng vì thấy lạ, hấp dẫn nên nảy sinh tâm lý a dua để khỏi lạc lõng trong cộng đồng của mình.

Thứ ba, cũng như việc chạy theo xu hướng thời trang, xác định gu thẩm mỹ âm nhạc, điện ảnh, các em xem việc sử dụng “ngôn ngữ teen” như là một cách để thể hiện bản sắc đặc thù hay chứng tỏ sự hồn nhiên, tinh nghịch, trẻ trung của lứa tuổi mình.

Thực ra, một cách công bằng mà nói, vấn đề sử dụng ngôn từ trong giao tiếp là quyền của mỗi người và cần được tôn trọng, miễn là không vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội. Do đó, việc làm này không thể nói là xấu, đáng lên án và không liên quan đến việc nhìn nhận, đánh giá về nhân cách con người. Tuy nhiên, dưới góc độ văn hóa mà đặc biệt là công tác giáo dục cho giới trẻ về việc phát huy nét đẹp của tiếng Việt, “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, thiết nghĩ cần lắm một sự trao đổi nghiêm túc.

Là những con người Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào và ngợi ca về tính đa dạng, phong phú, giàu có và đặc sắc của tiếng Việt. Hơn ai hết, đại diện cho tầng lớp trí thức tương lai – giới trẻ chính là những người nắm giữ và có bổn phận nâng niu, nuôi dưỡng và phát triển mạch nguồn này, để nó không bị mai một mà ngày càng hoàn thiện hơn, tinh tế hơn.

Nhìn vào thực tế hôm nay, có thể thấy, giới trẻ chưa làm được. Hằng ngày, cái “thương hiệu teen” vẫn được đều đặn sử dụng hết sức phổ biến, tiếng Việt vốn đẹp, trong sáng vẫn bị “bóp méo”, “sáng tạo” một cách tùy tiện. Người lớn mà đặc biệt là những người làm giáo dục có lý do để ái ngại và lo lắng về vấn đề này. Có lẽ phải làm ngay một “cuộc cách mạng” để thay đổi, cải tổ. Sứ mạng này thuộc về đội ngũ sư phạm, các bậc phụ huynh và hơn hết là ở chính nhận thức của bản thân các em. Bên cạnh hoạt động dạy học bộ môn ở nhà trường, sẽ là rất cần thiết khi giáo viên đưa chủ đề này lồng ghép vào các tiết học hay tổ chức các diễn đàn trao đổi, thảo luận nhằm giúp các em có cơ hội nhìn nhận một cách thấu đáo và đi đến việc thay đổi nhận thức. Ở gia đình, cùng với quá trình giáo dục, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở, động viên, điều chỉnh và định hướng cho con cái thói quen giao tiếp, ứng xử có văn hóa, đặc biệt là phải dành thời gian uốn nắn, sửa chữa cho các em về hạn chế cố hữu này. Người lớn phải gần gũi hơn, hiểu hơn tâm lý, phong cách, lối sống của các em để từ đó có những cách thức, phương pháp tác động phù hợp, mang lại hiệu quả.

Ngô Thế Lâm


Ý kiến bạn đọc