Multimedia Đọc Báo in

Nhà thờ đá Phát Diệm – sự kết hợp hài hòa kiến trúc Đông – Tây

21:41, 25/11/2019

Cách TP. Ninh Bình gần 30 km về phía Nam, Nhà thờ đá Phát Diệm ở giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) từ lâu được biết đến như một quần thể kiến trúc hài hòa giữa những nét đặc trưng của nhà thờ Công giáo (phương Tây) kết hợp với nét tạo hình của đình chùa truyền thống Việt Nam (phương Đông).

Nhà thờ đá Phát Diệm được khởi công xây dựng năm 1875 đến năm 1899 thì hoàn thành với với vô vàn khó khăn, phương tiện làm việc thô sơ. Để hoàn thiện nhà thờ đã phải dùng đến hàng nghìn tấn đá, hàng trăm cột gỗ lim... được vận chuyển từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều nơi khác xa hàng trăm cây số về thị trấn Phát Diệm.

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương” với nhiều hạng mục liền kề nhau, như: ao hồ, tượng đài, Phương Đình, nhà Thờ lớn, nhà Nguyện kinh thánh Rô Cô, các hang đá nhân tạo... Không gian nhà thờ được tạo hình đóng - mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, “Tiền thủy - Hậu sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

A
Nhà thờ đá Phát Diệm 120 tuổi.

Từ hướng Nam đi vào nhà thờ là một hồ nước, được gọi là Ao Hồ. Phía sau Ao Hồ là tòa Phương Đình bằng đá đồ sộ. Phương Đình có nghĩa là “nhà vuông” thay vì vút cao trên bầu trời theo hình tháp vuông hoặc tròn thường thấy ở các thánh đường phương Tây, Phương Đình mang hình dáng của một ngôi đình làng rộng lớn, kích thước gần như vuông, chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m. Phương Đình gồm 3 tầng được dựng lên bởi những phiến đá lớn. Tầng dưới lớn nhất được xây toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành 3 lòng, trong mỗi lòng lại có một sập đá. Phía trên là những vòm đá được xây dựng kiên cố vừa tượng trưng cho vòm trời vừa tạo cảm giác thanh thoát.

Đứng ở sân giữa phía sau Phương Đình, ngước lên trên là mặt trước nhà thờ Lớn, cũng là trung tâm của quần thể nhà thờ Phát Diệm. Bên trong nhà thờ lớn có 52 cột đỡ, sắp xếp thành 6 hàng, chia không gian nhà thờ thành 9 gian. Trong đó, lối vào ở đầu nhà thờ và lòng nhà thờ cao vút lên theo kiến trúc Gothic phương Tây, còn kiến trúc Á Đông, kiến trúc Việt Nam được thể hiện qua cách bố trí cột kèo, các họa tiết chạm trổ hoa văn uyển chuyển, nhẹ nhàng, rất tinh xảo. Trên các phiến đá lớn xung quanh Nhà thờ đá, có thể bắt gặp những hình chim phượng, bông sen thuần Việt được chạm khắc nổi rất sống động. Không chỉ vậy, ở bốn bức thông phong còn có hình ảnh “Tùng, cúc, trúc, mai” quen thuộc trong tranh dân gian tứ bình của Việt Nam.

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm là sự giao thoa, sự kết hợp hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông. Đây còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Ninh Bình.

A
Tòa Phương Đình được thiết kế cân đối và hài hòa.

  

IMG_5564.jpg
Một sự kết hợp hài hòa giữa những bức tượng điêu khắc phương Tây với mái cong của đình chùa làng Việt.

 

a
Những tòa nhà nhỏ hài hòa giữa những hàng cây xanh.

 

A
Du khách bị cuốn hút bởi những hoa văn chạm trổ hơn trăm năm tuổi.

 

A
Bên cạnh những cột đá lớn...

 

a
... là sự uyển chuyển, mềm mại của những chấn song đá hình cây tre.

 

a
Phượng Hoàng - Một trong Tứ linh của dân gian Việt Nam được chạm trổ rất tinh xảo.

 

a
Sự kết hợp giữa những tòa nhà đá và gian nhà bằng gỗ lim đã tạo nên nét độc đáo của Nhà thờ đá Phát Diệm.

Nguyễn Gia

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.