Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng "bộ tứ" lính đặc công

09:00, 13/09/2019

Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) vẫn thường gọi vui “bộ tứ” gồm Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Huy, Lê Thế An, Trương Công Hoan, Đậu Văn Công là “những chàng Đam San” mình đồng da sắt, can trường, dũng cảm của núi rừng Tây Nguyên.

Trực tiếp chứng kiến các anh phô diễn sức mạnh, sự mưu trí và khả năng thiện chiến trong cuộc diễn tập tấn công, bắt giữ khủng bố, giải thoát con tin do Quân khu 5 vừa tổ chức ở Đà Nẵng mới hiểu vì sao những chàng trai Đắk Lắk này lại có tên gọi ấn tượng như thế.

Bắt đầu cuộc diễn tập, sau màn khởi động làm nóng cơ thể, Thiếu tá Nguyễn Văn Phước, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409 ra lệnh cho các chiến đấu viên khẩn trương mang đeo vũ khí, trang bị, kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị rồi cơ động ra khu vực nhà chờ.

Nhìn Trung úy Lê Văn Huy, Tổ phó Tổ 5, Mũi 2 nhẹ nhàng, thoăn thoắt khoác lên mình bộ áo rằn ri và hai khẩu súng cùng đủ thứ “phụ kiện” khác như bao xe, túi lựu đạn, mặt nạ phòng độc, dao găm, còng số 8, bộ đàm, bao tay, bọc gối, mũ sắt…, không ai ngờ rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi chiến đấu viên phải mang trên mình gần 30 kg vũ khí, trang bị. Riêng chiếc áo giáp bọc vải rằn ri, có khả năng chống được các loại đạn bộ binh và mảng văng lựu đạn đã nặng cả chục ki-lô-gam rồi. Thế nên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm đã ra quân là đánh thắng, ngoài trình độ, nghiệp vụ cần thiết, đòi hỏi các chiến đấu viên đặc công phải thường xuyên luyện tập nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai.

Đồng đội hỗ trợ Trung úy Lê Văn Huy mang đeo trang bị.
Đồng đội hỗ trợ Trung úy Lê Văn Huy mang đeo trang bị.

Trong các chiến đấu viên người Đắk Lắk ở Tiểu đoàn 409, Huy sinh ra, lớn lên ở M’Đrắk, ba người còn lại đều ở Ea Kar. Họ chỉ biết nhau sau khi nhập ngũ, đi học khóa Tiểu đội trưởng rồi về công tác tại Tiểu đoàn 409. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng các anh thân quý nhau như ruột thịt, mọi niềm vui, nỗi buồn đều sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Là lính đặc công nên chàng nào cũng cao to, nhanh nhẹn và đen sạm. Chung cảnh xa quê, các anh luôn động viên nhau phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cả đơn vị mấy trăm quân nhưng số người được cấp trên “chọn mặt gửi vàng”, giao nhiệm vụ tham gia cuộc diễn tập, làm điểm để toàn quân về tham quan, học tập, rút kinh nghiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thật bất ngờ khi cả bốn anh đều có tên trong danh sách. Vinh dự gắn liền trách nhiệm, họ tự hứa với bản thân phải cố gắng thật nhiều.

Đúng giờ “G”, chiếc trực thăng Mi 8 nâng mình khỏi đường băng, lao dần ra phía biển, tiếng động cơ inh ỏi, chói tai. Trong khoang chứa, Lê Văn Huy cùng các chiến đấu viên lần lượt đeo mặt nạ phòng độc, sẵn sàng chờ lệnh. Khoảng 15 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay hạ dần độ cao, từng bước tiếp cận con tàu du lịch được giả định là nơi bọn khủng bố với các loại vũ khí trang bị tối tân đang bắt cóc, tra tấn con tin. Cách đó không xa, hai chiếc trực thăng khác cũng liên tục quần lượn, thu hút sự chú ý của nhóm khủng bố. Dưới mặt nước, các tàu Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Đặc công nước, Quân y, Cứu hỏa… vừa nghi binh, vừa khép chặt vòng vây.

Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Thiếu tá Nguyễn Văn Phước khoát tay ra lệnh xuất kích. Là người đầu tiên ra cửa, dưới sự yểm trợ của đồng đội, Trung úy A Cảnh, Mũi trưởng Mũi chống khủng bố 2 tự tin thực hiện động tác tuột dây thả treo, tung mình vào khoảng không. Vừa chạm sàn tàu, anh khom người lăn một vòng, tay lăm lăm khẩu Uzi sẵn sàng nhả đạn. Các chiến đấu viên vẫn người nọ nối người kia, thoăn thoắt tuột dây xuống sàn tàu, nhanh chóng triển khai chiến đấu. Sau mỗi phát súng, cú phi dao thiện xạ và những động tác võ thuật uy lực, đẹp mắt của lính đặc công lại có thêm một tên khủng bố nào đó bị tiêu diệt. Trên đánh xuống, dưới đánh lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào, sau khoảng 15 phút chiến đấu, lực lượng khủng bố bị bắt sống và tiêu diệt hoàn toàn, các con tin được giải thoát, cấp cứu kịp thời.

Cởi bỏ chiếc mặt nạ phòng độc, Trung úy Đậu Văn Công, chiến đấu viên Tổ 2, Mũi 1 mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi nhễ nhại. Anh vui vẻ tâm sự: “Là lính đặc công, chúng tôi đã quá quen với chuyện nhảy dù, đu dây, bắn súng, leo tường, vượt sông phát triển chiến đấu, tiếp cận, tiêu diệt mục tiêu. Năm nào chúng tôi cũng có mấy tháng tập nhảy dù, đu dây từ máy bay song đây là lần đầu tiên các chiến đấu viên thực hiện động tác tuột dây thả treo trên biển. Trên máy bay rất ồn nên mọi người chủ yếu giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Ngoài huấn luyện chuyên ngành, chúng tôi thường xuyên luyện tập nâng cao thể lực, khả năng phối hợp hiệp đồng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mỗi lần tập chúng tôi cố gắng hết mình, phấn đấu lần sau hoàn thiện hơn, tốt hơn lần trước. Được góp một phần nhỏ vào thành công chung của cuộc diễn tập là niềm vinh dự, tự hào của chúng tôi”.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đậu Văn Công sử dụng võ thuật khóa tay
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đậu Văn Công sử dụng võ thuật khóa tay "quân xanh".

Trên chiếc thuyền cao su đưa các chiến đấu viên từ biển vào đất liền, Thiếu tá Nguyễn Văn Phước nhận xét: “Diễn tập lần này là trải nghiệm rất thú vị, bổ ích đối với các chiến đấu viên. So với các chiến đấu viên khác, “bộ tứ” của Đắk Lắk có nền tảng thể lực tốt hơn hẳn nên hầu như nhiệm vụ nào cũng có mặt cả”.

Tròn 10 năm tuổi quân là gần đó thời gian bốn "chàng Đam San" phải ăn Tết xa gia đình, song các anh luôn tự hào được đứng trong hàng ngũ những người lính “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn”.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.