Multimedia Đọc Báo in

Rưng rưng đầu sóng...

09:18, 17/10/2019

Từ trước đến nay, tôi chỉ biết đến Trường Sa qua những câu chuyện kể hoặc qua các bài hát, báo chí, tranh ảnh... Trong trí tưởng tượng của tôi thì ở đó chỉ là một hòn đảo nhỏ giữa mênh mông sóng nước. Nhưng khi được đặt chân lên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc tôi mới chợt nhận ra nơi đây còn có một Trường Sa xanh mát và những con người kiên trung, vững vàng trước phong ba bão táp!

Khi nhận được tin đi công tác tại Trường Sa, cảm giác của tôi cứ lâng lâng khó tả, xen lẫn háo hức và hồi hộp. Lần đầu tiên đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi hơi lo lắng nên phải gọi điện hỏi han kinh nghiệm những người đi trước, qua đó mới phần nào an tâm để bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc hành trình dài ngày của mình.

Đầu tháng 1-2019, chúng tôi có mặt tại quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để theo các con tàu ra thăm, chúc Tết quân và dân đang sinh sống, công tác tại huyện đảo Trường Sa. Tôi được phân theo chuyến tàu mang số hiệu HQ-561 do Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa làm Trưởng đoàn đi thăm các đảo, điểm đảo thuộc khu vực tuyến giữa của quần đảo Trường Sa như: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan và Phan Vinh.

Các đảo chìm như những “pháo đài thép”  giữa biển khơi.
Các đảo chìm như những “pháo đài thép” giữa biển khơi.

Trời Cam Ranh ngày đầu năm gió mạnh, kèm theo mưa nhỏ do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên đã làm cho những con sóng trở nên “dữ dằn” hơn. Đúng 16 giờ chiều 4-1, con tàu HQ-561 kéo hồi còi lớn, rẽ sóng hướng ra biển Đông thẳng tiến. Phía trên bờ cảng, quân và dân nghiêm trang xếp thành từng hàng ngang, vẫy tay chào con tàu cho đến khi tàu khuất bóng.

Sau khi tàu rời xa, chỉ huy tàu thông báo tàu sắp rời vịnh ra biển nên “sóng to, gió lớn” và đề nghị mọi người không đi lại trên boong tàu. Tôi cùng đồng nghiệp nhanh chóng ổn định chỗ nằm, cố gắng chợp mắt để cảm nhận từng con sóng dữ đầu tiên. Nhưng quả thật, làm quen với những con sóng mùa biển động không phải là dễ. Những con sóng lớn bắt đầu đánh mạnh vào hai bên mạn tàu, khiến con tàu nghiêng ngả, chao đảo. Cứ mỗi khi gặp sóng lớn, con tàu vượt lên thì chúng tôi như chờm lên phía trước, sau đó ngã nghiêng về phía sau, đầu óc quay cuồng. Những cú lắc mạnh làm nhiều người vốn chưa quen với sóng biển được những trận say sóng nhớ đời!

Những ngày lênh đênh trên biển, nhiều phóng viên (đặc biệt là phái nữ) say sóng nằm sõng soài, người mệt lả không thể ăn uống được gì. Nhiều người có sức khỏe tốt hơn một chút vẫn ăn uống bình thường nhưng sau giờ ăn lập tức trở về phòng… nằm nghỉ. Sau 2 ngày 2 đêm vượt sóng gió, tới trưa ngày thứ 3 của chuyến hành trình thì tàu mới tới được đảo đầu tiên. Khi mọi người trong đoàn được thông báo sắp đến đảo, ai cũng như trút bỏ sự mệt mỏi, tất cả đều háo hức được đặt chân đến nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Niềm vui, vinh dự và tự hào về biển, đảo quê hương rạng ngời trên từng khuôn mặt.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân đảo Len Đao bên cạnh cột mốc chủ quyền.
Cán bộ, chiến sĩ hải quân đảo Len Đao bên cạnh cột mốc chủ quyền.

Đảo đầu tiên chúng tôi đến là đảo Đá Lớn (đảo này có 3 điểm: Đá Lớn A, B, C). Khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng với cây cối um tùm, dải cát trắng mịn chạy dọc bờ biển, đảo Đá Lớn hiển hiện trước mặt là 2 khối nhà bê tông như “pháo đài thép” giữa biển khơi, xung quanh những rạn san hô hiện ra trông rất đẹp. Ở nơi đó, tôi đã gặp những người lính đảo rất trẻ, hiền lành, trên mặt luôn nở nụ cười tươi trong làn da rám nắng vì gió và nắng biển. Trong quãng thời gian ngắn ngủi có mặt trên đảo, ai nấy đều tất bật với công việc của mình và điều hạnh phúc nhất là sự tò mò của chúng tôi đều được chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo trao đổi một cách rành mạch, cởi mở.

Ngày tiếp theo, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với đảo Sinh Tồn - một trong những xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa có cư dân sinh sống. Với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, quân và dân trên đảo đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cảnh giác với mọi kẻ thù xâm lược. Cái tên Sinh Tồn với ý nghĩa là sinh ra giữa trời đất và trường tồn với thời gian quả thật rất đúng với tên gọi về mảnh đất này. Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi đều nhận thấy, dưới bàn tay chăm sóc của quân và dân trên đảo, có rất nhiều cây xanh trong đó có cây bàng vuông, cây phong ba - biểu tượng sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Sinh Tồn giống như một làng quê Việt Nam thu nhỏ, mỗi khi Tết đến xuân về ở đây cũng tổ chức trò chơi, gói bánh chưng, trang trí cây cảnh để chuẩn bị một cái Tết ấm cúng.

Điểm tiếp theo chúng tôi được đến là đảo Cô Lin và Len Đao nằm trong cụm 3 đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma (Gạc Ma đang bị đối phương chiếm giữ trái phép). Tại đây, không chỉ mình tôi mà rất nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi chứng kiến Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo quê hương. Buổi lễ diễn ra ngay trên boong tàu trong không khí trang nghiêm, sau đó tất cả mọi người tiến lên thắp nén hương thơm và thả xuống biển những cánh hoa tưởng nhớ công lao các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thân xác các anh đã hòa vào lòng đại dương xanh thẳm và sẽ luôn sát cánh cùng những người lính hải quân canh giữ biển trời Tổ quốc.

Những người lính hải quân tuần tra canh giữ chủ quyền Tổ quốc.
Những người lính hải quân tuần tra canh giữ chủ quyền Tổ quốc.

Gần 20 ngày lênh đênh trên biển, đi qua các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, điều đọng lại trong tôi đó là cảm xúc trào dâng niềm vui, sự cảm phục bởi giữa biển khơi mênh mông nhưng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn lạc quan yêu đời, luôn vững chắc tay súng và niềm tin chiến thắng mọi kẻ thù. Họ đến với đảo từ mọi miền của đất nước với những hoàn cảnh và tuổi đời khác nhau nhưng tất cả đều chung một lý tưởng, cùng nhau đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi, chan hòa trong cuộc sống đầy ắp tình nghĩa thân thương như anh em một nhà. Ai cũng quyết tâm góp sức trẻ của mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo và không quên nhắn nhủ đến mọi người ở trong đất liền hãy vững tin và luôn sát cánh với họ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Một điều ấn tượng nữa đối với chúng tôi đó là giữa trùng khơi, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng những vườn rau trên đảo vẫn xanh mướt, với đủ loại rau như ở đất liền: nào là rau muống, rau lang, mồng tơi, rau cải, bầu, bí… Còn ở khu chăn nuôi, đàn lợn và gia cầm con nào con nấy béo núc, sạch sẽ. Toàn bộ hệ thống trồng trọt, chăn nuôi ở các đảo đều được những người lính trẻ tính toán, che chắn cẩn thận để tránh bị nhiễm nước muối từ biển...

Những tháng ngày đến với Trường Sa đã để lại dấu ấn không thể quên trong suốt cuộc đời của tôi cũng như với bất kỳ ai đã từng đặt chân đến “nơi đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.