Multimedia Đọc Báo in

"Chú Thọ biên phòng..."

13:28, 24/05/2020
Hơn chục năm công tác tại vùng biên giới Ia R’vê, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Thọ, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia R’vê (Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã xem mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. “Thầy giáo Thọ” hay “Chú Thọ biên phòng” là tên gọi trìu mến người dân xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) dành cho anh.

Cuộc sống của người dân vùng biên vô cùng khó khăn, nhiều người không biết chữ, không ít trẻ em trong độ tuổi đến trường cũng phải nghỉ học giữa chừng để lao động phụ giúp gia đình. Cuối năm 2009 anh Thọ đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia R’vê khảo sát mở lớp xóa mù chữ. Năm đó, lớp học gồm 27 học viên ở nhiều lứa tuổi đã được tổ chức tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Thuyết phục bà con đến lớp đã khó nhưng duy trì sĩ số lớp học lại càng khó hơn. Anh Thọ và các cán bộ địa bàn lại hỗ trợ như giúp công lao động, giúp thu hoạch mùa màng, hỗ trợ giải quyết khó khăn đột xuất để học viên có điều kiện đến lớp đều đặn. Chỉ sau hơn hai tháng tổ chức lớp học, hầu hết học viên lớp học xóa mù chữ đã biết đọc. Sau đó, thấy lợi ích của việc biết chữ, bà con mong muốn tiếp tục mở lớp và rồi đến năm 2015, lớp xóa mù được mở lại với 26 học viên. Cũng từ đó, người dân xã Ia R’vê gọi Thượng úy Thọ là “thầy giáo Thọ”.

Thầy giáo Thọ dạy chữ cho người dân xã Ia R'vê.
Thầy giáo Thọ dạy chữ cho người dân xã Ia R'vê.

Cùng với mang con chữ đến với bà con, Thượng úy Hoàng Văn Thọ còn giúp người dân thoát nghèo từ những mô hình kinh tế, nuôi bò giống sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng sả lấy tinh dầu. Để triển khai việc này, bản thân anh Thọ phải tìm tòi, nghiên cứu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi để vận động người dân. Thời gian đầu, đối với những hộ nghèo chưa có vốn, anh Thọ còn dùng tiền lương của mình giúp các gia đình mua cây, con giống rồi hướng dẫn quy trình chăn nuôi, trồng trọt và liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ sự tận tình của anh Thọ và các chiến sĩ biên phòng, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ia R’vê đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đơn cử như từ khi được Thượng úy Hoàng Văn Thọ giúp đỡ, gia đình  ông Hà Văn Đức, ở thôn 7 đã thoát nghèo. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư và công lao động, gia đình ông Đức lãi hơn 70 triệu đồng. Hay như mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở Ia R’vê, Thượng úy Hoàng Văn Thọ đã trực tiếp hướng dẫn bà con tại các thôn 13, 14 áp dụng mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thầy giáo Thọ dạy chữ cho người dân xã Ia R'vê.
Thầy giáo Thọ dạy chữ cho người dân xã Ia R'vê.

Được phân công về sinh hoạt tạm thời tại Chi bộ thôn 12 – nơi nhiều năm liền tổ chức đảng chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ, Thượng úy Hoàng Văn Thọ đã góp phần củng cố, kiện toàn cấp ủy chi bộ thôn, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, Chi bộ thôn 12 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với thành tích trong công tác, nhiều năm liền Thượng úy Hoàng Văn Thọ đã được các cấp khen thưởng. Song, phần thưởng ý nghĩa nhất với anh chính là những đổi thay tích cực trong đời sống của người dân nơi vùng biên Ia R’vê mà anh gắn bó.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.