Multimedia Đọc Báo in

"Thao thức" để chắt lọc ra "mật ngọt"

12:54, 21/01/2018

Khoảng chục năm nay Lê Thành Văn - một nhà giáo dạy văn ở thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk - đã “có mặt” trên khá nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ của địa phương và trung ương; là tác giả của nhiều bài thơ viết về quê hương xứ Quảng, về những người yêu thương, về tình đời, tình yêu, tình nghề nghiệp...

Anh viết khỏe, viết nhanh, với giọng thơ đằm thắm, đậm chất trữ tình, gợi được nhiều cảm xúc cho người đọc.

Bên cạnh việc sáng tác thơ, anh còn bình thơ. Những bài bình thơ của anh thể hiện được khả năng cảm thụ tinh tế, vốn hiểu biết về thơ phong phú, “phông” văn hóa rộng và sâu, tạo được nhiều thiện cảm với người đọc. Đây là mảng sáng tạo văn chương mà hiện nay ở Đắk Lắk chúng ta còn rất “khan” người viết. Vì vậy, khi Lê Thành Văn cho ra mắt cuốn sách đầu tay “Miền thơ thao thức”, bình 33 bài thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh, liền được bạn bè văn chương và nhiều độc giả, nhất là giáo viên, sinh viên, học sinh đón nhận, trân trọng. Bởi qua cuốn sách này những người đọc có mong muốn tìm hiểu về các tác giả thơ trong tỉnh không chỉ hiểu sâu thêm ý nghĩa, vẻ đẹp tác phẩm thơ mà còn biết thêm về tác giả bài thơ, quá trình sáng tạo và cả những “nỗi niềm” của họ.

Có thể nói Lê Thành Văn đã khá thành công ở loại hình sáng tạo này, bởi đã thuyết phục và cao hơn là hấp dẫn được người đọc. Ta hãy nghe anh bình một khổ thơ trong bài “Nghe quan họ trên cao nguyên” của nhà thơ Hữu Chỉnh (Đắk Lắk):

“Sông thì xa, đỉnh núi thì gần

Câu quan họ chảy trong lời hát

Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt

Nắng lưng đồi cứ ngỡ nước lơ thơ”

“Phép đối lồng trong phép nhân hóa đã tạo cho khổ thơ có một sức hút đặc biệt. Sông xa, núi gần đó là thực tại đời sống hiện hữu, nhưng “sông Cầu dập dềnh trước mặt” là cái ảo đã hóa thật, nên “nắng lưng đồi cứ ngỡ nước lơ thơ”. Có thể nói rằng đây là khổ thơ hay nhất trong toàn bộ thi phẩm, nhờ cảm xúc được đẩy lên cao độ, hồn thơ và tình thơ của tác giả đã được kết đọng, ngưng tụ. Qua nghe câu quan họ trên đất cao nguyên mà nhà thơ níu hai miền đất nước giao hòa, gắn kết lại với nhau...”. Đấy là một lời bình chân xác, không tán dông dài, vừa đủ để người đọc thấy được thi pháp sáng tạo, cảm xúc, vẻ đẹp và ý nghĩa của khổ thơ.

Hoặc anh bình bài thơ “Sen” của nhà thơ Tiến Thảo (Đắk Lắk):

“Đã mấy mươi năm chưa trở lại

Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?

Ta nhớ mùi hương nơi cố xứ

Thơm hồn em gái nắng hè trưa”

“Điều dễ nhận ra là khả năng lập tứ rất chặt của tác giả. Thông qua một không gian rất cụ thể giữa đời thường, thức gọi trong hồi ức bằng một câu hỏi tu từ, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc hướng về cố xứ xa xăm ”, “Cái sự hỏi ở hai câu mở đầu chỉ là cái cớ để viện dẫn cho nỗi nhớ đong đầy, da diết ở hai câu kết bài. Mùi hương sen nơi hồ Thanh Thủy vẫn lưu luyến suốt mấy mươi năm xa cách, chưa hề phôi phai trong tâm trí của kẻ tha hương. Mùi hương ấy đã hóa thành nỗi nhớ thơm hương, linh diệu trong tâm hồn kẻ tình si khát khao chờ đợi... Câu thứ ba chỉ là câu đệm, là nhịp cầu để đưa người đọc về chạm ngõ hồn ở câu thơ kết. Một cái kết lắng đọng vỡ òa bao nhiêu tâm tư, cảm xúc nén dồn trong tâm cảm thi nhân. Mùi hương của hoa sen nơi hồ Thanh Thủy hay là hương cố nhân - hương của điệu hồn trắng trong, thanh khiết, hương của tình yêu say đắm nồng nàn...”.

Là người làm thơ giàu cảm xúc, nên lời bình thơ của Lê Thành Văn không chỉ tinh tế trong trong tìm tòi ý nghĩa của câu thơ, bài thơ mà cảm xúc của anh cũng được phả vào thấm đẫm trong mỗi lời bình, bên cạnh những lời bình giàu chất thơ. Vì thế đọc “Miền thơ thao thức” ta không thấy khô khan, bởi chỉ rặt những “giới thiệu” về quan điểm tư tưởng, ý nghĩa... như cách bình của một số tác giả khác.    

Đây là một cuốn sách “hiếm” của làng văn chương Đắk Lắk, rất bổ ích; bạn đọc, nhất là giáo viên, sinh viên và học sinh cấp THCS, THPT nên tham khảo. Cảm ơn nhà thơ Lê Thành Văn đã phải nhiều đêm “thao thức” để chắt lọc ra “mật ngọt” cho đời!

(Nhân đọc “Miền thơ thao thức”, bình thơ của Lê Thành Văn, NXB Hội Nhà văn - 2017)

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.