Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Kỳ 1)

08:56, 13/03/2020

Hỏi: Tại cuộc họp tổ liên gia nơi tôi ở, ông tổ trưởng phổ biến đến mọi người việc đề cao tinh thần phòng, chống tham nhũng tại địa phương, bản thân tôi cũng đã nghe đến việc phòng, chống tham nhũng nhiều lần nhưng thực sự chưa biết hết những hành vi nào được coi là hành vi tham nhũng. Tôi muốn biết theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi tham nhũng bao gồm những hành vi cụ thể nào?

(Phùng Văn Q.)

Trả lời: Hiện nay Luật Phòng, chống tham nhũng quy định hai nhóm hành vi tham nhũng, đó là:

- Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

- Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Hỏi: Tôi là người dân ở xã S. huyện Y., tôi và một số người dân ở đây phát hiện thấy ông C. là công chức cấp xã có hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi lợi ích vật chất từ người dân. Chúng tôi muốn phản ánh thông tin này đến UBND xã S.. Tôi muốn biết việc phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào để bảo vệ, khen thưởng và trách nhiệm người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng?

(Bà Nguyễn Thị P.)

Trả lời: Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.

Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Người phản ánh về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh. Người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.