Multimedia Đọc Báo in

UBND xã Cư Né thu hồi đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền

08:17, 12/11/2018

Mặc dù không có thẩm quyền nhưng UBND xã Cư Né (huyện Krông Búk) vẫn tiến hành thực hiện việc thu hồi đất rừng phòng hộ đã giao cho cá nhân quản lý bảo vệ. Không những vậy, việc thu hồi này cũng không được chính quyền xã thỏa thuận, thông báo khiến người dân vô cùng bức xúc.

Thực hiện Quyết định số 905/QĐ-UB, ngày 1-4-2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án giao đất giao rừng phòng hộ Quốc lộ 14 tại huyện Ea H’leo và huyện Krông Búk, ngày 26-12-2003, gia đình ông Y Rang Mjao ở buôn Rad 2, xã Cư Né được Ban Quản lý Dự án Rừng phòng hộ Quốc lộ 14 và UBND xã Cư Né lập biên bản giao 35.400 m2 rừng phòng hộ tại buôn Đrô 2, xã Cư Né (vị trí Lô 25A+25B, Tờ bản đồ số 3, tiểu khu 356) để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Hiện trạng đất có rừng là 33.120 m2 với 3.563 cây thông (đường kính thân bình quân 12 cm/cây, cao bình quân 12 m), còn lại diện tích 2.280 m2 là đất trống.

Năm 2008, ông Y Rang chết, bà H’Tuyết (là con ruột ông Y Rang) được thừa kế quản lý, bảo vệ diện tích rừng này. Bà H’Tuyết cho biết, sau khi nhận đất rừng, gia đình đã trồng 1.000 cây keo giống trên toàn bộ diện tích đất trống và tiến hành chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng thông. Từ khoảng năm 2010 đến nay, một số người dân trong xã đã ngang nhiên đến chặt phá cây thông, keo và lấn chiếm đất để trồng cà phê, tiêu. Bà H’Tuyết đã nhiều lần trình báo sự việc đến UBND xã Cư Né nhờ can thiệp, song chính quyền địa phương vẫn không có động thái nào ngăn chặn, giải quyết.

Cán bộ xã Cư Né kiểm tra thực địa diện tích đất rừng gia đình bà H'Tuyết đang quản lý, bảo vệ.
Cán bộ xã Cư Né kiểm tra thực địa diện tích đất rừng gia đình bà H'Tuyết đang quản lý, bảo vệ.

Đến tháng 8-2018, UBND xã Cư Né bất ngờ đưa người và phương tiện vào san ủi khoảng 1,4 ha diện tích đất rừng phòng hộ này để giao cho Huyện Đoàn Krông Búk thực hiện công trình trồng và chăm sóc cây sao đen. Điều đáng nói là gia đình bà H’Tuyết không hề nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định thu hồi nào của UBND xã Cư Né.

Theo ông Y Thân Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né, lý do xã thu hồi diện tích đất này là để san ủi bàn giao thực địa cho Huyện Đoàn Krông Búk thực hiện công trình thanh niên, một phần là do việc quản lý, bảo vệ rừng của gia đình bà H’Tuyết không chặt chẽ, để mất rừng. Ông Y Thân thừa nhận: Theo quy định thì UBND xã không có quyền thu hồi và bàn giao đất rừng phòng hộ. Trong trường hợp này, xã phải báo cáo lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để kiểm tra thực địa và tham mưu cho UBND huyện Krông Búk ra quyết định thu hồi đất. “Ngày 2-5-2018, UBND huyện Krông Búk có Công văn số 526/CV-UBND-NNPTNT yêu cầu UBND xã Cư Né hỗ trợ Huyện Đoàn thực hiện công trình thanh niên trồng và chăm sóc 2.000 cây sao đen trên địa bàn xã Cư Né. Do thời gian gấp rút, xã chưa tìm được quỹ đất trống để bố trí. Trong khi đó, lo sợ việc người dân lấn chiếm hết thửa đất rừng phòng hộ gia đình bà H’Tuyết đang quản lý nên xã mới tiến hành san ủi mặt bằng và giao thực địa cho Huyện Đoàn Krông Búk trồng cây. UBND xã Cư Né đã bỏ sót phần thủ tục nói trên!” - ông Y Thân giải thích.

Bà H’Tuyết Niê ở buôn Rad 2, xã Cư Né (thứ 2 từ phải sang) đang phản ánh về sự việc của gia đình.
Bà H’Tuyết Niê ở buôn Rad 2, xã Cư Né (thứ 2 từ phải sang) đang phản ánh về sự việc của gia đình.

Lý giải câu hỏi “Vì sao bà H’Tuyết đã nhiều lần trình báo về tình trạng rừng phòng hộ bị phá hoại, lấn chiếm mà chính quyền địa phương không can thiệp, giải quyết dứt điểm?”, ông Y Thân giải trình rằng: “Xã cũng có đi kiểm tra nhưng người dân thường lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng vào ban đêm nên rất khó phát hiện. UBND xã Cư Né đã thiếu trách nhiệm khi không báo cáo sự việc đến các ngành chức năng và UBND huyện để có hướng xử lý”.

Rõ ràng, UBND xã Cư Né đã thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phát triển rừng; buông lỏng quản lý, không giải quyết dứt điểm, để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất, chặt phá rừng thông. Việc tổ chức san ủi, thu hồi đất rừng phòng hộ để giao cho Đoàn thanh niên trồng cây là không đúng thẩm quyền, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, các cơ quan chức năng cùng UBND huyện Krông Búk cần nhanh chóng có những biện pháp giải quyết dứt điểm, khắc phục sai sót, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.