Multimedia Đọc Báo in

Những thành tựu nổi bật 75 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Bài 5: Khẳng định bản lĩnh và vị thế Việt Nam

08:21, 28/08/2020
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng, phát triển đất nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế… là những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm qua.
 
Tiền thân từ các đội vũ trang của quân khởi nghĩa Nam Kỳ, các đội Cứu quốc quân ở Việt Bắc… xuất hiện trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lực lượng quân đội và công an đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành và lập nên nhiều kỳ tích trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (1945 - 1975) cũng như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2020.    Ảnh: Hoàng Gia
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2020. Ảnh: Hoàng Gia

 Những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục thiên tai.
 
Đối ngoại quốc phòng, an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Đại hội IX khẳng định “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[1]. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Chỉ riêng trong 5 năm (2016 - 2020), Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 3 nước, nâng đối tác chiến lược lên đối tác toàn diện với 1 nước, thiết lập đối tác toàn diện với 5 nước, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 30 nước. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa.
 
Việt Nam đã chủ động tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007. Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á Châu; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, Ủy ban Kinh tế - xã hội Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc (PKO), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc…
 
Vị thế trong các tổ chức và các mối quan hệ đối ngoại đã góp phần làm cho đất nước đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp từ trung ương tới địa phương, thu hút nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta không ngừng tăng cao. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, dòng vốn FDI tính đến 20-2-2020 có 31.434 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký là 370 tỷ USD...
 
Những thành tựu đạt được trong 75 năm qua là công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế. Chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn đó, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"[2] và phát huy cao độ niềm tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương
(*) Xem từ số báo ra ngày 24-8-2020
 
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.146.
[2]. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.