Multimedia Đọc Báo in

Cha tôi - người đại biểu của nhân dân Tây Nguyên

06:31, 05/01/2021

Con nói về cha thế nào cũng có người cho là không khách quan. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn muốn được kể đôi điều về người cha của mình: cố bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, Nhà giáo Nhân dân, người đại biểu cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên suốt 9 khóa Quốc hội...

Tôi được sinh ra ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1948, khi cha tôi – bác sĩ, nhà giáo Y Ngông Niê Kdăm là một trong những đại biểu Quốc hội người Tây Nguyên đầu tiên được gọi ra chiến khu. Dẫu không sinh ra và lớn lên trên quê hương Đắk Lắk nhưng khoảng trời tuổi thơ của tôi ở chiến khu Việt Bắc, sau đó về Hà Nội vẫn luôn thấm đẫm văn hóa của dân tộc mình. Ba vẫn luôn nhắc nhở anh em chúng tôi là người Êđê, dạy chúng tôi trân trọng những bộ trang phục thổ cẩm của bà nội gửi ra từ Đắk Lắk. Tôi đã theo chân ba tham dự các lễ hội mùa xuân hằng năm của các “chi” dân tộc trong Trường Cán bộ dân tộc miền núi Trung ương, hay ngồi hàng giờ cùng chú nhà văn Y Điêng ghi chép bên các nghệ nhân hát - kể trường ca... Và khi chỉ mới học cấp I, tôi đã biết đến klei khan - Trường ca Đam San, Xinh Nhã...

Vào lớp 5, ông cho tôi theo học lớp dạy tiếng Êđê của thầy giáo Y Luật. Những tên gọi thân quen của quê hương, như thác Drei H’Linh hay ngọn núi Cư H’Lâm ở quê cha (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) trở nên quen thuộc cứ như tôi từng sinh ra và lớn lên ở đó. Kể những chuyện này để thấy rằng cha tôi là người vô cùng yêu quý quê hương, tự hào về nguồn gốc dân tộc. Tuy phải xa bến nước, cây rừng, tiếng chiêng Knah hơn 30 năm mới được trở về nhưng ông vẫn đau đáu một lòng với cội nguồn nơi mình được sinh ra, và một cách rất có ý thức, ông luôn tìm mọi cách giáo dục con cái mình, nhất là cô con gái lớn như tôi (theo truyền thống mẫu hệ Êđê) giữ gìn và vun đắp tình yêu ấy. Sự “đắm đuối” của tôi với văn hóa dân gian Tây Nguyên cũng chính là được thừa hưởng từ người cha kính yêu của mình.

Là nhà giáo, Hiệu trưởng Trường Cán bộ dân tộc miền núi Trung ương, cha tôi thương học sinh lắm. Chính tình yêu thương vô điều kiện ấy mà nhiều học sinh đã gọi ông là “ba”. Hàng trăm học sinh trường dân tộc ngày ấy, sau khi đã thành đạt, người là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, người là lãnh đạo các địa phương... nhưng gặp ông vẫn ríu rít cha con rất thân tình.

Ông  Y Ngông  Niê Kđăm  tại kỳ họp Quốc hội năm 1996.    Ảnh tư liệu
Ông Y Ngông Niê Kđăm tại kỳ họp Quốc hội năm 1996. Ảnh tư liệu

Năm 1979, ngay khi chuẩn bị thành lập Trường Đại học Tây Nguyên, ông đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cử tuyển một số sinh viên dân tộc. Sau này khi làm hiệu trưởng, ông chủ trương cho cả con em người dân tộc Khơmer ở Nam Bộ lên học. Ông là người đầu tiên đưa ra chủ trương khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số liên kết với các nông trường trồng cà phê, thuyết phục lãnh đạo tỉnh và các lâm trường nhận người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân, giải quyết được vấn đề đất đai và việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con. Bất cứ việc gì liên quan đến đời sống người dân tộc thiểu số đều là mối quan tâm hàng đầu của ông. Ai cũng có thể đến gặp ông, bất cứ ở nhà hay ở cơ quan. Ở đâu báo cáo lên việc vận động đồng bào dân tộc khó khăn, ngay lập tức ông có mặt. Bằng sự kiên nhẫn, ôn tồn giải thích cụ thể bằng tiếng Êđê, mọi thắc mắc của người dân luôn được ông giải thích cặn kẽ. Cho nên nhữngcuộc gặp gỡ dù "nóng" đến đâu bao giờ cũng kết thúc bằng những ché rượu cần.

Ba tôi, 79 tuổi đời thì hơn 60 năm cống hiến nhiệt huyết, thanh xuân cho đất nước. Đọc lại những kiến nghị của cha tôi khi làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đến nay dường như vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là từ việc chú ý quy hoạch đất đai cho đồng bào dân tộc đến việc việc dựa vào dân để bảo vệ rừng, kết hợp giữa thực hiện chính sách dân tộc với bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Suốt cuộc đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ, ba tôi tâm nguyện nhất hai điều: làm sao cho đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và gìn giữ lấy màu xanh của rừng. Đó chính là tấm lòng người trí thức dân tộc Tây Nguyên đã được giác ngộ, không chỉ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với đất nước, với dân tộc, mà còn hết sức tận tụy vì nước vì dân, vì sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số khắp mọi miền. Suốt cuộc đời mình, ông luôn trăn trở về quê hương và đồng bào các dân tộc thiểu số, có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, quy hoạch và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước..

Linh Nga Niê Kđăm

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.