Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng với văn hóa Êđê

09:02, 13/03/2017

Nặng lòng với văn hóa Êđê, nhiều năm nay, chị H’Len Niê (SN 1971, buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn âm thầm đi tìm mua từng hiện vật cổ của dân tộc mình về bảo vệ, giữ gìn.

“Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của văn hóa Êđê nên từ bé tôi đã được tận mắt chứng kiến ông – bà, cha – mẹ mình sử dụng những cái chum, ché, gùi, những cái cối, chày giã gạo bằng gỗ… Những vật dụng đó là nét văn hóa đặc trưng của người Êđê và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi, gia đình và người dân trong buôn làng. Cứ thế, tình yêu với văn hóa Êđê hiện hữu trong tôi từ lúc nào không hay” – chị H’Len chia sẻ.

Tuy nhiên, tất cả hiện vật văn hóa truyền thống ấy dần mai một và thay đổi khi buôn làng Tây Nguyên bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Từ những hiện vật có giá trị thiêng liêng, hàng loạt cồng chiêng, ché, ghế Kpan, vật dụng sinh hoạt gia đình người Êđê được đem đi bán, trao đổi. Những ngôi nhà dài truyền thống dần được thay thế bằng kiến trúc hiện đại. Trang phục truyền thống cũng trở nên hiếm hoi. Trước thực trạng đó, H’Len quyết tâm sưu tầm, bảo vệ, lưu truyền những hiện vật mang giá trị thời gian của dân tộc mình.

Những chiếc cối giã gạo bằng gỗ được trưng bày tại quán cà phê Arul.
Những chiếc cối giã gạo bằng gỗ được trưng bày tại quán cà phê Arul.

Với mong muốn giúp cho giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến được với nhiều người, năm 2013, H’Len sửa sang lại căn nhà dài của gia đình để làm không gian trưng bày các hiện vật cổ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không mấy thuận lợi đối với một người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. H’Len tâm sự: “Ngay từ đầu, việc làm của tôi bị người thân, gia đình phản đối kịch liệt, cho rằng việc đó là vô bổ. Hơn thế, vốn xuất thân là một nông dân, chỉ học hết lớp 10 nên tôi không hề biết gì đến công nghệ, càng không biết bắt đầu từ đâu. Tuy vậy, tôi vẫn không cho phép mình được bỏ cuộc mà phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh việc làm một cuộc “cách mạng tư tưởng” với người thân, tôi còn phải chấp nhận bán bớt diện tích đất mà ông cha để lại làm kinh phí phục vụ cho ý tưởng của mình. Tôi đã lựa chọn không gian quán cà phê để trưng bày các hiện vật cổ bởi không gian cà phê vốn là nơi tĩnh lặng, nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người để giúp du khách vừa thưởng thức hương vị cà phê vừa được ngắm nhìn và hiểu hơn về văn hóa Tây Nguyên”.

Được sự giúp đỡ của một số bạn bè, đầu năm 2015, H’Len chính thức khai trương quán cà phê mang tên Arul. Để tạo sự phong phú, đa dạng khu trưng bày, H’Len đích thân đi đến nhiều nơi tìm mua nhiều hiện vật truyền thống của dân tộc mình như: trống hgor, chiêng, ché, gùi, cối giã làm bằng gỗ, niêu đất, trái bầu khô, khung dệt thổ cẩm, bếp lửa, trang phục truyền thống… Tất cả được sắp xếp tỉ mỉ, cẩn thận trong căn nhà dài. Cũng từ đó, quán cà phê Arul là điểm đến để nhiều du khách trên mọi miền có cơ hội được giao lưu, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Êđê. Dù công việc khá bận rộn nhưng H’Len luôn sẵn sàng bỏ hàng giờ để giới thiệu cho du khách có nhu cầu tìm hiểu về những giá trị, xuất xứ của từng hiện vật.

Chị H’Len cho biết thêm: “Tôi tạo dựng không gian lưu giữ hiện vật văn hóa truyền thống dân tộc bằng cả cái tâm và niềm đam mê của mình. Do đó, tôi mở quán cà phê, sưu tầm hiện vật cổ với hy vọng cà phê Arul sẽ là nơi để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đến học tập, trải nghiệm, hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc”.      

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.