Multimedia Đọc Báo in

Lễ làm chuồng trâu – nghi lễ độc đáo của người Sê Đăng ở Ea H'đing

08:50, 10/03/2017

Buôn Kon Hring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) có 294 hộ đồng bào Sê Đăng sinh sống. Đồng bào Sê Đăng ở đây vẫn duy trì tục ăn mừng lúa mới với nghi thức rước hồn lúa diễn ra khá long trọng; bên cạnh đó vào những tháng đầu năm, bà con buôn Kon H’ring còn tổ chức lễ “cọ via kơ pơ” hay còn gọi là “lễ làm chuồng trâu” - một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người Sê Đăng với ước mong giàu sang, sung túc.

Lễ “cọ via kơ pơ” chỉ diễn ra một ngày nhưng công tác chuẩn bị phải làm từ cả tháng trước đó. Các già làng họp và thống nhất chọn ngày tổ chức; chuẩn bị các đồ lễ heo, gà, bánh, rượu, các loại thịt khô... mời bà con, họ hàng, anh em ở làng khác đến.

Vị trí làm chuồng trâu phải là mảnh đất mới, cách làng khoảng một đến vài trăm mét. Chuồng được đóng cọc, có cửa không lợp mái. Mỗi thành viên trong gia đình được phân công đào hố chôn cột, chuyển gỗ (gỗ để làm chuồng phải là loại gỗ tốt, không có dây leo bò quanh, kiến đục lỗ, đường kính khoảng bằng bắp chân người lớn). Tùy thuộc vào số lượng trâu của gia đình mà chuồng có thể được làm to nhỏ khác nhau. Bốn góc chuồng buộc những chiếc ná đã hỏng và những chùm lá ơtang với hàm ý trừ ma quỷ, tránh những điều xấu cho đàn trâu. Ngay cổng chuồng làm một cây nêu phải là cây có mùi thơm gọi là cột gơng.

Sau khi làm xong chuồng, các gia đình lần lượt lùa đàn trâu của mình vào và tiến hành nghi lễ chính, chủ nhà dùng dao cắt tiết gà, cầm con gà đi quanh vẩy máu vào khắp chuồng và khấn đại ý: “Hôm nay, gia đình chúng tôi làm chuồng mới cho trâu để trâu có nhà mới ở. Mong trâu khỏe mạnh, đừng ốm yếu và luôn sinh được nhiều con…”. Tiếp theo, họ cắt hai chân gà buộc lại treo ở cửa chuồng, có ý nghĩa dành phần cho ma chuồng trâu.

Khi các nghi lễ đã thực hiện xong, bà con mang heo, gà về nhà chế biến món ăn truyền thống, cùng nhau uống rượu, biểu diễn văn nghệ, diễn tấu nhạc cụ truyền thống đến tận khuya. Ngày hôm sau, chủ chuồng trâu mang theo gà và 3 ống nứa dài khoảng 50 – 60 cm ra ngồi trước cửa chuồng trâu để chọn hướng đi cho trâu.

Mỗi năm, lễ hội làm chuồng trâu cũng là dịp để ông bà, cha mẹ chia trâu cho con cái trong gia đình. Sau khi được chia trâu, người nhận trâu về nhà phải làm thịt một con gà và lấy một ghè rượu để tạ lễ người đã cho mình.

Ông A Mang, Phó Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư M’gar cho biết: Cũng như các dân tộc anh em khác sinh sống ở Tây Nguyên, đồng bào Sê Đăng có những lễ thức dân gian truyền thống rất quan trọng trong lao động sản xuất được tổ chức theo chu kỳ mùa làm rẫy trong một năm mang tính tâm linh rất lớn, về cơ bản đều gắn bó chặt chẽ với vòng đời con người và quy trình sản xuất theo mùa vụ. Đó là bản sắc văn hóa truyền thống cũng là cách tạo ra sự gắn kết cộng đồng bền chặt về mọi mặt trong đời sống của dân tộc Sê Đăng.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.