Multimedia Đọc Báo in

Lần tìm thành cổ Châu Sa

08:21, 06/05/2018

Thành cổ Châu Sa là thành đất do người Chăm xây dựng duy nhất còn lại ở Việt Nam hiện nay. Đây là ngôi thành gắn với nhiều bí ấn cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc Chăm và vương quốc Chiêm Thành.

Thành Châu Sa được dân gian gọi là thành Hời (thành của người Hời, tức người Chăm). Sử cũ gọi là thành Đa La, Chiêm Lũy động, Cổ Lũy động. Thành tọa lạc ở khu vực hạ lưu tả ngạn sông Trà Khúc, nay thuộc xã Tịnh Châu, cách TP. Quảng Ngãi 7 km về hướng đông bắc.

Thành cổ Châu Sa được phát hiện vào năm 1924 khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier (1871-1949) tìm thấy ở đây một bia đá (về sau gọi là “Bia đá Châu Sa”) có 4 mặt khắc chữ Chăm nói về cuộc đời hai vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875-982). Trên bia cũng ghi chính xác năm dựng bia là 903. Cùng với các bằng chứng khảo cổ khác, các nhà khoa học cho rằng thành cổ Châu Sa ra đời trong khoảng thế kỷ 9 - 10 và là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng của vương quốc Chiêm Thành lúc bấy giờ.

Bia di tích thành cổ Châu Sa.
Bia di tích thành cổ Châu Sa.

Từ sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, vùng đất từ nam đèo Hải Vân đến bắc đèo Cù Mông được sáp nhập vào Đại Việt, thành lập Đạo thừa tuyên Quảng Nam, cổ thành Châu Sa dần bị rơi vào quên lãng. Cho nên, đến thế kỷ 19, các sử gia triều Nguyễn vẫn còn nghi ngờ về ngôi cổ thành này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép về thành này như sau: “Thành cổ Châu Sa ở xã Châu Sa, huyện Bình Sơn. Diện tích hơn 5 mẫu 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: Một thuyết nói là thành Đại La của nước Chiêm Thành, một thuyết là Vệ Thành của Tam ty đời Lê (tức 3 ty thuộc Đạo thừa tuyên Quảng Nam đời nhà Hậu Lê). Chưa rõ thuyết nào đúng”.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, dấu tích của thành Châu Sa ngày nay vẫn còn khá nguyên vẹn với nhiều tường đất, hào lũy. Thành có hai lớp: thành nội và thành ngoại. Thành nội được đắp bằng đất, hình chữ nhật dạng gần vuông (540 m x 580 m), cạnh dài theo hướng bắc - nam. Tường thành cao từ 4-6 m, chân thành rộng từ 20-25 m, mặt thành rộng 5-8 m. Quanh thành có hào nước rộng từ 20-25 m, nay phần nhiều đã bị bồi lấp thành ruộng. Thành nội có 5 cửa mở theo hướng đông, tây, nam, bắc và tây nam; trong đó, cửa nam được đào đắp công phu hơn cả, được phỏng đoán là cửa chính của thành.

Một đoạn tường đất trong thành nội.
Một đoạn tường đất trong thành nội.

Thành ngoại gồm có ba mặt, được kết hợp giữa đào đắp với việc tận dụng địa thế tự nhiên (đồi núi thấp, gò, ao đầm, suối rạch). Phía nam của thành ngoại nhìn ra sông Trà Khúc nên không có bờ thành.

Điểm nhấn đặc biệt trong kiến trúc tổng thể của thành cổ Châu Sa là hai gọng thành hình càng cua đối xứng nhau theo trục nam - bắc nằm giữa thành nội và thành ngoại, về hướng phía nam. Trong đó, gọng phía tây dài gần 700 m, gọng phía đông dài gần 500 m.

Tuy được đắp bằng đất nhưng thành cổ Châu Sa có quy mô khá lớn, án ngữ ở vị trí trọng yếu của một vùng lưu vực rộng lớn thuộc sông Trà Khúc. Thành thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược cũng như sự khôn khéo của người Chăm xưa trong việc kết hợp tối ưu giữa chức năng quân sự - phòng thủ với vai trò kinh tế - dân sự. Đây được xem là ngôi thành đất tiêu biểu của người Chăm.

Ngày nay, trải qua những thăng trầm lịch sử, thành cổ Châu Sa vẫn còn đó như là chứng tích về vương triều Chăm Pa một thuở lẫy lừng. Thành được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.

Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.