Multimedia Đọc Báo in

Lắng trong "Âm vọng sông Hương"

19:40, 01/05/2018

Chương trình Nghệ thuật “Âm vọng sông Hương” được xem là một  trong những "món ngon" của bữa "đại tiệc" Festival Huế - 2018 diễn ra vào đêm 29-4 tại ngã ba sông Hương và sông Đông Ba - TP. Huế đã đem đến cho du khách, đặc biệt là những người yêu Huế nhiều cảm xúc lắng đọng.
       

Sân khấu của “Âm vọng sông Hương” được thiết kế trên mặt nước tự nhiên và lấp lánh ánh đèn, khiến không gian nghệ thuật này trở nên lung linh, huyền ảo.

Sông Hương...
Không gian lung linh, huyền ảo của đêm "Âm vọng sông Hương". Ảnh: Nhật Linh

Tại đây, những câu chuyện đời thường của người dân xứ Huế - từ lúc yêu nhau, cưới nhau, sinh con, quần quật và lam lũ kiếm sống... cho đến khi nằm xuống được người trong cuộc kể lại bằng ngôn ngữ sân khấu tổng hợp của ca kịch, vũ kịch, kết hợp với những thủ pháp sân khấu hiện đại (vẽ tranh cát, kỹ xảo ánh sáng), khiến bất kỳ ai có mặt cũng tìm thấy một chút hình bóng và thân phận của mình trong đó.   

Câu chuyện...
Câu chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử được tái hiện

Mở đầu là câu chuyện tình của nhà thơ tài hoa, nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Trong tiếng sáo du dương, bồng bềnh trên sông nước, người xem được các diễn viên dẫn lối về thôn Vỹ Dạ - TP.Huế, nơi bắt đầu “thiên tình sử” của chàng thi sĩ tài danh với cô thôn nữ Thu Cúc. Cuộc tình của họ không như “mây trôi gió thoảng” mà đã để lại trong trái tim hai người vết thương rớm máu, để rồi sau đó vết thương ấy ám ảnh và thăng hoa như trăng, như sao trong những vần thơ của Hàn.         

Xóm...
Xóm vạn chài trên dòng Hương...

Đến câu chuyện trên dòng sông Hương, hiện ra hình ảnh cả xóm vạn chài gồng mình chống chọi với cơn lũ lớn: Người mẹ bị cơn lũ cuốn trôi, tiếng cô con gái thảng thốt vang lên "Mẹ ơi, mẹ ơi…!" đã làm cõi lòng nhiều người thổn thức, chùng xuống cùng tiếng mõ, tiếng chuông chầm chậm theo bước chân các nhà sư và giọng hò Huế cất lên buồn man mát, tiễn đưa người về cát bụi.

Và rồi chuyển sang cảnh khác, cuộc sống đời thường vui tươi và hồn hậu của người dân làng chài trên dòng sông thơ mộng ấy vẫn tiếp diễn: Cha mẹ đánh cá, con cái đi học về, bi bô học bài; người già thong thả ngồi ngắm cháu con; tiếng rao hàng rong lảnh lót: “Ai chè đậu xanh đậu váng, ai bánh bột lọc, nem chả hô..ôn...” lần lượt xuất hiện trên nền nhạc tha thiết, sâu lắng: “Dòng sông ai đã đặt tên/Để người đi nhớ Huế không quên/Ơi con sông mang theo nỗi nhớ/Người ở lại tháng năm đợi chờ...” (Dòng sông ai đã đặt tên - Trần Hữu Pháp).  

Sông...
và cảnh đánh bắt tôm cá được tái hiện chân thật, sinh động. Ảnh: Nhật Linh

Để mang lại sự thành công cho “Âm vọng sông Hương”, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh cho biết, ông đã cho sử dụng những đạo cụ và diễn viên rất thật (cá được thả dưới sân khấu chìm trong nước; vào vai diễn là những cư dân vạn đò, chị bán hàng rong độ nhật trong phố), nhờ vậy đã chạm đến trái tim khán giả. "Chúng tôi muốn tôn vinh những người lao động nghèo trên sông Hương. Họ đã lặng thầm đóng góp những giọt mồ hôi nhọc nhằn để tạo dựng nên xứ Huế cổ kính mà mộc mạc này. Nhưng có vẻ như lâu nay, họ ít được nhắc đến trong các kỳ Festival Huế. Vì thế tôi quyết tâm làm Chương trình “Âm vọng sông Hương” như món quà gửi tặng người dân xứ Huế " - Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

                                                                             

Đình Đối - Minh Tự  
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.