Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi cho những người yêu nghệ thuật

08:48, 05/08/2018

Trong điều kiện sân chơi dành cho thiếu nhi còn hạn chế, với mong muốn đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất cũng như phát triển năng khiếu cho các em, thời gian qua trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có nhiều câu lạc bộ, trung tâm nghệ thuật biểu diễn được thành lập và đi vào hoạt động.

Trưởng thành từ đội tuyên truyền ca khúc măng non của thị xã, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật, với lòng yêu nghề, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm ở Tổ dân phố 9, phường An Lạc đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Ngọc Trâm. Trung tâm có nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật gồm: đàn piano, đàn guirta, thanh nhạc, múa, nhảy hiện đại với hơn 150 học viên theo học. Không chỉ mở tại trung tâm thị xã, chị còn mạnh dạn xây dựng thêm các cơ sở tại các phường lân cận và huyện Krông Năng. Với đội ngũ giáo viên là những người có chuyên môn, tâm huyết với nghề, luôn đặt chất lượng sinh hoạt và học tập lên hàng đầu, ngoài việc bảo đảm điều kiện tốt nhất về không gian, cơ sở vật chất, thiết bị học tập, giáo viên còn thường xuyên gần gũi, chuyện trò giúp các em sớm bộc lộ năng khiếu, chọn đúng niềm đam mê. Mặc dù bận rộn với việc học, hơn hai năm qua, em Nguyễn Mỹ Đình học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du vẫn dành hai buổi tối trong tuần để theo học bộ môn thanh nhạc tại Trung tâm. Khi được hỏi về đam mê đối với âm nhạc, em hào hứng chia sẻ: “Từ nhỏ em rất thích ca hát, ở trường em cũng hay tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ, các hoạt động Đội. Sau một thời gian học tại trung tâm, được sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô, em hiểu rõ hơn về cách lấy hơi, luyến láy, luyện thanh, rung giọng, từ đó em trở nên dạn dĩ hơn, tinh thần phấn chấn vui vẻ nên việc học tập tại trường cũng tốt hơn rất nhiều”.

Lớp học múa ở Trung tâm nghệ thuật Ngọc Trâm.
Lớp học múa ở Trung tâm nghệ thuật Ngọc Trâm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết thêm: Ngoài việc học kiến thức cơ bản, nhằm giúp cho các em có điều kiện cọ sát với thực tế, Trung tâm còn đăng ký cho học viên tham gia các hội thi hội diễn trong và ngoài tỉnh như: Liên hoan Búp sen hồng toàn quốc, Liên hoan thiếu nhi các dân tộc, Cuộc thi tìm kiếm tài năng tỉnh Đắk Lắk, hội diễn nghệ thuật quần chúng… Tuy chưa đạt được thành tích cao nhưng đây chính là những sân chơi bổ ích, giúp các em học hỏi, rèn dũa bản lĩnh, sự tự tin nên hầu hết các học viên đều tích cực rèn luyện.

Nhận thấy nhu cầu của các bậc phụ huynh cho con em học các lớp năng khiếu ngày một tăng, vợ chồng thầy giáo Đặng Hoàng Nhật Tú, hiện là giáo viên âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã tổ chức các lớp đào tạo năng khiếu cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên với hơn 50 học viên theo học các bộ môn: đàn piano, guirta, organ. Trung tâm âm nhạc Tú Uyên của thầy Tú tuyển sinh quanh năm và duy trì học tất cả các ngày trong tuần, kể cả buổi tối. Chị Bùi Thị Hồng Vân ở Tổ dân phố 5, phường An Bình cho biết: “Con gái tôi chuẩn bị vào lớp 1, cháu vốn yêu thích đàn piano nên tôi đăng ký cho bé tham gia lớp học piano tại Trung tâm âm nhạc Tú Uyên. Gần một năm theo học cộng với thường xuyên tập luyện tại nhà, hiện nay bé đã sử dụng thành thạo các phím đàn, có thể vừa đọc bản nhạc vừa chơi đàn”.

Việc mở các câu lạc bộ, trung tâm nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đông đảo thanh, thiếu nhi nhất là trong dịp hè. Bên cạnh đó, từ các lớp năng khiếu này, nhiều em đã sớm bộc lộ, phát triển được tài năng, mạnh dạn tham gia các hội diễn văn nghệ, hoạt động Đoàn Đội, trở thành những hạt nhân tích cực trong các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.