Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm dấu tích Chăm trên cao nguyên Đắk Lắk (Kỳ 1)

07:27, 22/06/2019

Những dấu tích của người Chăm pa cổ được tìm thấy trên cao nguyên Đắk Lắk là bằng cứ cho thấy sự giao thoa kinh tế - văn hóa đầy lý thú giữa họ với các tộc người bản xứ trong quá trình cộng cư cách đây gần một nghìn năm.

Kỳ 1:  Thời gian phủ bóng xa mờ

Dẫu còn hay đã mất, thì những dấu tích của người Chăm trên vùng đất này vẫn ẩn chứa những thông điệp cần được giải mã, góp phần làm hé lộ nhiều điều bí ẩn về lịch sử tồn cư và phát triển của các cộng đồng người ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung từ xa xưa cho đến ngày nay.

Từ di tích hiện hữu...

 Một công trình kiến trúc Chăm còn hiện hữu trên cao nguyên Đắk Lắk cho đến ngày nay là tháp Yang Prông (tọa lạc tại thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp). Được biết vào năm 1901, Viện Viễn đông Bác cổ đã có thông tin về ngôi tháp này và đầu tháng 3-1904 thì nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp - Odend Hal đã có chuyến điền dã đến đó để quan sát và ghi chép tỉ mỉ. Theo đó, trung tuần tháng 7-1906, tùy viên phái bộ quân sự Pháp H. Maitre cũng đến khám phá tháp Yang Prông rồi chụp ảnh, khảo tả ngôi cổ tháp khá kỹ càng.

Cả hai người Pháp vừa kể đều thấy trong ngôi tháp này khi đó có thờ linh vật Linga -Yoni theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm. Đặc biệt, trong cuốn "Les Jungles Moi" (xuất bản tại Paris năm 1912), H. Maitre cho rằng đây là ngôi tháp của người Chăm từ đồng bằng Duyên hải miền Trung Việt Nam lên xây dựng vào cuối thế kỷ XIV để khẳng định và phát triển tín ngưỡng phồn thực của mình trên vùng đất Tây Nguyên được biểu hiện qua vị thần gọi là Mankhalinga đặt trang trọng trong lòng ngôi tháp. Cũng có ý kiến khác của một số học giả trong nước như Nghiêm Thẩm, Nguyễn Đổng Chi đưa ra, khi vua Chăm là Chế Mân lấy em gái vua Đại Việt Trần Anh Tông là công chúa Huyền Trân vào năm 1306 thì trước đó, Chế Mân đã cho xây dựng tháp Yang Prông rồi, khoảng năm 1258 - 1259.

Cổ tháp Yang Prông.
Cổ tháp Yang Prông.

Trải qua thăng trầm dâu bể, tuy ngôi tháp chỉ còn phần vỏ nhưng giá trị độc đáo của di sản này vẫn còn hiển hiện giữa một không gian sống (đồng thời là không gian văn hóa) mà rừng đóng vai trò trung tâm, gắn với tổ chức xã hội bán khai được dẫn dắt bởi nền văn minh thảo mộc của nhiều bộ tộc sơn nguyên, chưa có sự xuất hiện nhà nước và đặc biệt là không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Một công trình kiến trúc đồ sộ và diễm lệ theo tôn giáo Bà la môn như thế càng làm cho Tây Nguyên trở nên kỳ bí lạ lùng. Cũng chính từ giá trị và ý nghĩa đó nên tháp Yang Prông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991.

Đến phế tích trong lòng đất

Trong sử liệu “Tìm hiểu nước Chăm pa Thượng” được trích đăng trên Tạp chí Viễn đông Bác cổ có lý giải: Từ thế kỷ XII - XIII là thời kỳ hùng mạnh nhất của Vương quốc Chiêm Thành, sau khi chinh phục một số quốc gia và vùng đất đai láng giếng để mở rộng lãnh thổ, phát triển giao thương và truyền bá văn hóa Chăm, họ đã cho xây dựng nhiều quần thể kiến trúc thờ tự, tôn giáo nhằm mục đích tạo sức ảnh hưởng lớn lên bình diện đời sống nói chung tại những nơi mà người Chăm hiện diện. Quần thể di tích Chăm (ở xã Cư Êwi - huyện Cư Kuin ngày nay) ra đời trong bối cảnh ấy, nhưng đến nay nó đã bị chôn vùi vĩnh viễn dưới lòng đất.  

 

“Có thể nói trong quá trình cộng cư hàng trăm năm ấy, các tộc người ở Tây Nguyên đã có điều kiện tiếp xúc, giao thoa với người Chăm để chắt lọc làm nên vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của mình. Việc quan tâm, tìm hiểu và nhất là “giải mã” thông điệp từ những dấu tích Chăm là vấn đề cần được quan tâm hơn”.

 
 
Ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk)

Được biết qua hai lần khảo sát (năm 1997 và 2007), Bảo tàng Đắk Lắk đưa ra nhận định quần thể di tích này là của người Chăm. Bởi trước hết, vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc ở đây được tìm thấy là hoàn toàn bằng gạch có kích cỡ, màu sắc giống như các công trình kiến trúc Chăm ở vùng Duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ. Thứ đến, về mặt kỹ thuật xây dựng cũng vậy, gạch được xếp chồng lên nhau bằng chất kết dính đặc biệt chỉ có trong kiến trúc đặc thù của người Chăm. Cuối cùng là những hiện vật như gốm sứ, vật dụng sinh hoạt cũng như đồ tùy táng (cho người chết) được tìm thấy ở đây đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Chăm.

Về quy mô, tính chất của quần thể di tích trên, ông Nguyễn Việt Hà - nguyên cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk có mặt trong đợt khảo sát năm 1997 cho biết: Quần thể di tích nằm rải rác trên một dải đồi thấp có rộng khoảng 1,5 km2 , phía Tây Bắc giáp dãy núi Cư Kuin, phía Đông Nam giáp dãy núi Krông Bông và ở giữa là cánh đồng thấp trũng. Quần thể di tích bao gồm 12 cá thể khác nhau, trong đó có 9 ngôi mộ lớn nhỏ và 3 công trình khác được đoán định là đền thờ, sân đền và nhà chờ để nghỉ ngơi, bày biện lễ vật cúng tế. Qua quan sát vào thời điểm trên, mỗi ngôi mộ được xây bao quanh một bức tường thành bằng gạch khá kiên cố, dày 0,45 m, cao 3 m, rộng 20 m và dài 25 m. Toàn bộ số ngôi mộ bị người dân lúc đó đào bới lên để tìm cổ vật, nhờ đó đoàn điền dã Bào tàng Đắk Lắk xác định được mộ có hình chữ nhật, hướng theo trục Đông - Tây và phía trên mỗi ngôi mộ đều xây vòm uốn cong theo hình bán nguyệt.

          Cán bộ  Bảo tàng  Đắk Lắk  trong một lần khảo sát  tại di chỉ  Cư Êwi.  (Ảnh do  Bảo tàng cung cấp)
Cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk trong một lần khảo sát tại di chỉ Cư Êwi. (Ảnh do Bảo tàng cung cấp)

Câu hỏi đặt ra là người Chăm rời khỏi đó lúc nào và trong hoàn cảnh ra sao? Trước khi đi, tại sao họ phải lấp đất phủ lên trên tất cả công trình kiến trúc của mình? Theo nhiều nguồn sử liệu thì đến đầu thế kỷ XIV, khi lãnh thổ Chiêm Thành bị Đại Việt tấn công, buộc người Chăm phải rút toàn bộ lực lượng về cố thủ, trong đó có bộ phận người Chăm ở Cư Êwi cũng ra đi trong thời gian và bối cảnh ấy. Từ đây đánh dấu sự chấm dứt ảnh hưởng của Vương quốc Chiêm Thành trên vùng đất Tây Nguyên, cũng như nhiều vùng khác. Trước khi đi, họ đã làm như thế để tránh sự xung đột có thể xảy ra giữa các tộc người bản xứ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và những gì của người Chăm để lại vẫn nguyên vẹn, chỉ trừ yếu tố thời gian, cộng thêm những biến chuyển của lịch sử đã ít nhiều làm cho văn hóa Chăm ở Tây Nguyên nói chung trở nên xa mờ.

(Còn nữa)

Phương Đình

  


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.