Multimedia Đọc Báo in

Tràm chim hoang dã

08:29, 16/06/2019

Vườn Quốc gia Tràm Chim có diện tích tự nhiên 7.588 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Vườn có vị trí ở giữa vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười, là rừng ngập nước thiên nhiên rất hiếm hoi còn sót lại với sinh cảnh độc nhất vô nhị ở Đông Dương, là một trong 8 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam.

Du khách đến Tràm Chim vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 khi lũ về, đi vỏ lãi (xuồng) chạy vòng quanh, hoặc xuyên qua những cánh đồng, những khu rừng, sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của một vùng đồng bưng hoang dã, xen kẽ giữa những cánh rừng tràm và đồng cỏ năn, những lung sen, đồng lúa ma và những dòng kênh dài xa tít tắp…

Mùa khô, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 hằng năm, là thời điểm sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim cư trú và tìm thức ăn. Những đàn sếu này bay đến từ các cánh đồng ở Thái Lan và Campuchia, tìm ăn củ năn là thức ăn mà loài sếu rất ưa thích, dù chúng phải bay hàng trăm cây số. Đến đây vào mùa này, du khách sẽ được chứng kiến những cảnh tượng kỳ thú, hấp dẫn. Nhiều con sếu đầu đỏ cao tới gần 2 m, lông xám mượt, chân và cổ cao, đôi cánh dang rộng, chân xuôi chiều khi bay.

Cánh đồng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Cánh đồng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Khi bình minh lên, du khách có thể bơi xuồng vào khu A1 của Tràm Chim. Nước kênh đục ngầu, màu vàng quạch bởi phèn trên đồng, trong rừng tràm đổ xuống. Chim chóc rất nhiều đi kiếm ăn trên những cánh đồng xem xém nước. Trải ra trước mắt du khách là những cánh đồng năn bạt ngàn, những lung sen mênh mông, lá xanh ngắt điểm xuyến những bông hoa cánh mỏng hồng, hương thơm phảng phất; bông súng, lúa ma, năn, lác đâu đâu cũng có. Các loài  chim muông như cò, diệc, vịt trời, cồng cộc… tung cánh bay từng đàn giữa không gian bao la thoáng đãng.           

Sau khi vượt hết một phần con kênh vành đai của Tràm Chim, chiếc xuồng máy rẽ vào một con rạch nhỏ đầy sen. Sen mọc kín lối. Chừng non hai cây số là thấy đài quan sát bằng bê tông sơn màu nâu đất sừng sững bên bờ kênh. Tràm nguyên sinh trùng trùng, lớp lớp, thân to cả ôm, cao vút, lá vi vu, xạc xào trong gió sớm. Du khách đi theo hành lang độc đạo ghép bằng thân gỗ tràm đến một căn nhà sàn cao và rộng ở giữa rừng. Đây là chỗ cho khách tham quan nghỉ ngơi và ăn uống.

Bữa cơm giữa rừng Tràm Chim được dọn ra rất ấn tượng với các món ẩm thực độc đáo của Đồng Tháp Mười: cá lóc nướng than hồng gói lá sen non, ốc bươu luộc sả, rắn bông súng nướng lèo (mọi), chuột ướp chao nướng, bông súng chấm mắm kho. Khi ngà ngà với mấy ly rượu nếp than nấu bằng gạo đặc sản Huyết Rồng (còn gọi là Châu Hạng Võ) có màu tím than đỏ đục thật tuyệt vời, du khách sẽ được thưởng lãm những tiết mục vọng cổ ngọt ngào như ru lòng người…

Hiện nay, vườn quốc gia Tràm Chim đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp mở rộng thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng đã tài trợ để duy trì, phát triển và bảo vệ Tràm Chim. Đặc biệt, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) đã có những chương trình khảo sát, nghiên cứu nhằm giúp đỡ, hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của môi trường sinh thái độc đáo này.

Tràm Chim có 32 loài chim có giá trị bảo tồn, 12 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Các loài động thực vật tại đây gồm 198 loài chim nước, hơn 50 loài cá và bò sát cùng với 191 loài thực vật, với gần 3.000 ha tràm và 1.000 ha lúa ma, sen, súng, cỏ năn, lác, lau sậy... tạo nên một quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với mênh mông sông nước, bao la rừng tràm, ngút ngàn những đồng bưng và các thảm thực vật phong phú.

Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.