Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo đàn Gơrưna của người Cơ Tu

08:30, 16/06/2019

Giữa đêm khuya tĩnh mịch, thanh âm trong trẻo của đàn Gơrưna vang lên khiến khung cảnh nơi đại ngàn Trường Sơn thêm thâm u, huyền bí...

Đàn Gơrưna có cấu tạo là một ống tre còn nguyên hai mắt (hai đầu kín), một đầu được khoét một lỗ nhỏ vừa để âm thanh thoát ra ngoài vừa là nơi cất que tre đánh đàn khi không chơi đàn nữa. Tùy vào cách chọn ống tre (khoảng 0,5 m, đường kính khoảng 0,10 m), thân đàn được vạt một lớp dày gần đến ruột lóng ống tre, chiều ngang khoảng 5 cm, chiều dài gần chạm hai đầu lóng. Hai bên có hai sợi tre nhỏ cũng lấy từ thân ống làm dây đàn. Hai đầu của hai dây đàn là con đội (con nem), nâng hai sợi dây đàn lên (để tạo âm thanh trầm, bổng).

Tùy thuộc vào nghệ nhân tạo ra và chơi đàn mà đàn có tông cao, thấp khác nhau. Muốn có tông cao, người ta chỉ cần xê dịch con đội về phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ căng lên. Muốn có tông thấp thì người ta chỉ cần xê dịch con đội lùi xa phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ giãn ra. Khoảng cách giữa hai sợi dây theo chiều dài là lưỡi gà làm bằng lá nón trên rừng để phát ra âm thanh.

Nghệ nhân Bh’ling Argưnl (bên phải) truyền dạy đàn Gơrưna cho lớp trẻ Cơ Tu.
Nghệ nhân Bh’ling Argưnl (bên phải) truyền dạy đàn Gơrưna cho lớp trẻ Cơ Tu.

Đàn Gơrưna đơn giản vậy nhưng để tạo ra được chiếc đàn có âm thanh trong trẻo, réo rắt đòi hỏi người làm đàn phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc. Nét độc đáo của đàn Gơrưna là chỉ dùng cho một người chơi, nó luôn được dựng đứng để giữ âm lại trong ruột đàn. Người chơi một tay nắm thân đàn theo chiều dọc, tay kia dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và làm cho nó dao động, rung lên và chuyền đến lưỡi gà, phát thành tiếng nhạc da diết. Muốn tạo ra những âm thanh khác nhau, hai ngón tay người chơi phải di chuyển vị trí gảy đàn trên dây đàn.

Người đàn ông Cơ Tu thường chơi đàn Gơrưna mỗi khi lên nương rẫy. Tiếng đàn cất lên không những làm vui tai, xua tan mệt nhọc, giúp người lao động khỏe khoắn và thoải mái tinh thần mà còn có tác dụng xua đuổi được chim chóc ăn lúa. Gơrưna vì thế còn được người Cơ Tu gọi là đàn đuổi chim. Trong những đêm mưa rừng Trường Sơn lạnh giá, cả làng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng của Gươl (ngôi nhà làng truyền thống), lúc này những đàn ông Cơ Tu lại gảy đàn Gơrưna như thể hiện nỗi nhớ rừng.

Những người Cơ Tu không biết đàn Gơrưna có từ bao giờ, nhưng mỗi khi tiếng đàn cất lên tâm khảm họ lại bồi hồi, cảm giác như mình đang đi giữa núi rừng. Tiếng đàn Gơrưna như những âm hưởng của đại ngàn Trường Sơn. Gơrưna luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hóa của cộng đồng, nó có thể đánh đệm cho điệu hát dân ca (ba'boóch) hoặc hát lý (bh'noóch) của đồng bào Cơ Tu.

Nghệ nhân Bh’ling Argưnl (76 tuổi, ở làng Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) với chiếc đàn Gơrưna.
Nghệ nhân Bh’ling Argưnl (76 tuổi, ở làng Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) với chiếc đàn Gơrưna.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, chơi đàn Gơrưna không được tùy tiện mà phải theo một quy định đặc biệt. Người chơi đàn Gơrưna phải là đàn ông lớn tuổi đứng đắn, tốt bụng, sống có đạo đức, được bà con trong làng yêu mến, quý trọng. Trẻ em, phụ nữ và con gái Cơ Tu chưa chồng không được chơi đàn Gơrưna.

Những năm gần đây, cuộc sống ngày càng phát triển, âm nhạc hiện đại len lỏi vào đời sống của đồng bào Cơ Tu, giới trẻ bị hấp dẫn bởi những nhạc cụ điện tử hiện đại... khiến đàn Gơrưna và những nhạc cụ truyền thống ngày càng mất dần vai trò của mình trong đời sống của người Cơ Tu. Nếu không có giải pháp bảo tồn, lưu giữ, sợ rằng mai này sẽ không còn được nghe tiếng đàn Gơrưna nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ…

        Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.