Multimedia Đọc Báo in

Tôn trọng không gian xanh đô thị Buôn Ma Thuột (Kỳ cuối)

09:10, 16/07/2019

[links(left)]

Kỳ cuối: Đừng quay lưng với các dòng suối

Những dòng suối, ao hồ tự nhiên trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển. Đánh mất không gian xanh này, dù bất kỳ lý do nào cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Do quỹ đất thuận lợi để phát triển đô thị ngày càng ít đi, buộc nhiều công trình, dự án xây dựng ở TP. Buôn Ma Thuột phải hướng tới những địa bàn có độ dốc lớn, bám theo hành lang các sông suối, ao hồ tự nhiên. Những khu đô thị mới này vừa chịu sự tác động của lũ lụt, vừa đứng trước nguy cơ trượt lở đất bất cứ lúc nào, vì vậy phải nhất thiết tôn trọng không gian dòng chảy ở đây.

Nhiều người đã tỏ ra bức xúc khi nhìn các con suối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị lấn chiếm, xâm hại, thậm chí bị “bức tử” một cách không thương tiếc trong quá trình đô thị hóa diễn ra. Theo ông Võ Kỹ, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1990 - 2015 là thời kỳ phát triển nhanh và mạnh của đô thị này đã khiến nhiều con suối lâm vào cảnh biến dạng và bức bí đáng báo động. Có nơi hệ thống không gian xanh quan trọng này hoặc đã biến mất, hoặc đã suy giảm đáng kể, dẫn đến vấn nạn ô nhiễm cảnh quan, môi trường nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh kế và dân sinh của người dân trong vùng. Đến nay, ngoài những dòng chảy đã thực sự “chết” như suối Đốc Học (phường Tân Tiến), Suối Xanh (phường Tân Lợi) thì nhiều con suối khác: Ea Tam, Ea Nuôl, Ea Nao, Ea Tu, Ea Kô Siêr… cũng ngày càng bị bóp nghẹt.

Những cánh rừng đầu nguồn suối Ea Tam tạo nguồn sinh thủy dồi dào chảy dài qua nhiều địa bàn trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột.
Những cánh rừng đầu nguồn suối Ea Tam tạo nguồn sinh thủy dồi dào chảy dài qua nhiều địa bàn trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột.

Có thể lấy con suối Ea Tam làm dẫn chứng cho đánh giá trên. Khởi nguồn từ buôn Kô Tam, con suối này len lỏi chảy qua nhiều buôn làng đồng bào Êđê sinh sống trên địa bàn thành phố trước khi đổ vào dòng Sêrêpốk hùng vĩ. Suối Ea Tam không những cung cấp và tiêu thoát nước cho hàng nghìn hộ dân dọc các vùng Ea Tu, Tân Lập, Tự An, Ea Tam và Khánh Xuân… mà còn tạo ra hệ sinh thái đa dạng, phong phú giúp cư dân ở đó khai thác, hưởng lợi trên nhiều mặt: sinh kế, cảnh quan và môi trường. Song, hiện tại vai trò ấy của suối Ea Tam đã bị tước bỏ do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Những nơi mà con suối đi qua, nhất là ở vùng trung tâm thành phố như phường Tân Lập, Tự An, Ea Tam, Khánh Xuân - nhà cửa cùng nhiều công trình xây dựng khác đã bao chiếm, kè chắn, cơi nới quá mức khiến dòng chảy (kèm theo hệ sinh thái là cây xanh, thảm thực vật) bị thu hẹp đến mức khó nhận ra. Có những đoạn trên đường Y Nuê, Trần Quý Cáp, Đặng Nguyên Cẩn, Amí Đoan… suối Ea Tam chỉ còn là lạch nước nhỏ hoặc đã biến thành điểm tập kết rác thải ùn ứ. 

Hồ Kô Tam cung cấp nguồn lợi và tạo sinh kế cho người dân trong vùng. Từ đây nguồn nước này chảy qua nhiều xã, phường trong TP. Buôn Ma Thuột, hình thành các không gian xanh đặc trưng.
Hồ Kô Tam cung cấp nguồn lợi và tạo sinh kế cho người dân trong vùng. Từ đây nguồn nước này chảy qua nhiều xã, phường trong TP. Buôn Ma Thuột, hình thành các không gian xanh đặc trưng.
 

“Không gian xanh của đô thị Buôn Ma Thuột không chỉ đơn thuần là tỷ lệ cây xanh tính trên đầu người. Đến nay, mật độ 10 m2/người là khá cao, nhưng quan trọng hơn là phải hướng đến việc tái tạo không gian xanh tự nhiên của những dòng suối và những cánh rừng đầu nguồn trong các buôn làng vốn có”.

 
TS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Theo KTS Nguyễn Phú Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk, trong suốt chiều dài lịch sử quy hoạch và phát triển Buôn Ma Thuột, mọi chính quyền sở tại đều lấy dòng suối Ea Tam làm mạch chủ trong việc tổ chức không gian cho đô thị.

Từ năm 1904, khi Trung tâm hành chính tỉnh lỵ Đắk Lắk từ Buôn Đôn chuyển về Buôn Ma Thuột, Công sứ Sabatier đã có đồ án quy hoạch chi tiết cho đô thị này, trong đó rất chú trọng đến dòng suối Ea Tam với các yếu tố, vai trò nêu trên. Với chiều dài khoảng 17 km uốn lượn trong không gian đồi, dốc chập chùng, dòng suối Ea Tam được xem là “phần âm” của đô thị Buôn Ma Thuột, góp phần tạo nên nét hài hòa và thơ mộng cho thành phố trên cao nguyên.

Đồ án quy hoạch và xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột của Sabatier tỏ ra rất quan tâm và chú trọng đến yếu tố sông suối tự nhiên, đặc biệt là suối Ea Tam được tổ chức, nhìn nhận như hồ Xuân Hương của TP. Đà Lạt - Lâm Đồng.

Có thể nói, ý tưởng đó đã được tuân thủ một cách nghiêm cẩn trong quá trình phát triển, mở rộng đô thị Buôn Ma Thuột qua các giai đoạn lịch sử. Nhờ vậy mà hàng chục buôn làng dọc theo các con suối được gìn giữ hầu như nguyên vẹn - từ không gian rừng đầu nguồn, bến nước cho đến kiến trúc nhà dài đặc trưng. Đây là không gian xanh mà không phải đô thị nào cũng sở hữu được - và chính yếu tố đó sẽ làm nên bản sắc Buôn Ma Thuột nếu trong quy hoạch, phát triển hiện tại cũng như tương lai, chính quyền địa phương quan tâm khai thác hợp lý tài nguyên ấy. Hay nói cách khác, đừng quay lưng với các dòng suối, bởi không gian xanh tự nhiên này sẽ tạo nên gương mặt rất riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hơn thế, không gian xanh ấy sẽ đi vào đời sống của cư dân ở đô thị này như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng.

       Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.