Multimedia Đọc Báo in

Nơi bảo tồn văn hóa cồng chiêng

07:22, 29/01/2020

Trong cuộc sống hiện đại, đồng bào dân tộc Êđê ở xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) vẫn trân trọng lưu giữ, phát triển vốn quý văn hóa cồng chiêng.

Văn hóa cồng chiêng là di sản quý báu của dân tộc, được coi là biểu tượng tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hiểu được điều đó, nhiều hộ dân ở các buôn trên địa bàn xã Cư Bao đã nỗ lực lưu giữ, bảo tồn những bộ chiêng được truyền lại từ đời cha ông mình.

Đơn cử như hộ ông Y Krông Ayun (buôn Kwang A) bao nhiêu năm qua luôn nâng niu bộ chiêng quý gồm 6 cái được truyền lại qua rất nhiều đời. Bộ chiêng là vật quý giá của tổ tiên để lại, vì thế cho dù bao nhiêu người từng đến hỏi mua với giá khá cao nhưng gia đình ông quyết không bán. Nặng lòng với văn hóa cồng chiêng của dân tộc, ông Y Krông mong muốn sẽ tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho những thế hệ kế tiếp trong gia đình, dòng họ.

Nghệ nhân Y Xuân Niê (bên phải) truyền dạy đánh chiêng cho người dân và lớp thanh niên trong buôn Kwang A.
Nghệ nhân Y Xuân Niê (bên phải) truyền dạy đánh chiêng cho người dân và lớp thanh niên trong buôn Kwang A.

Gia đình bà H’Xoan Niê (buôn Kwang B) có 3 bộ chiêng quý được cất giữ cẩn thận. Bà kể rằng, trước đây nhiều người biết gia đình có chiêng nên đã tìm đến hỏi mua nhưng bà nhất định không bán, sau đó bà lại không yên tâm khi thấy những bộ chiêng quý có nguy cơ bị rình rập lấy trộm nên đành “đóng gói” cất giấu thật kỹ. Được biết, gia đình bà hiện có 3 thế hệ biết đánh chiêng gồm chồng, con trai và cháu nội. Trong đó, cháu nội Niê Minh Mẫn là một thành viên trong đội chiêng trẻ của xã Cư Bao thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn, hội thi của địa phương. Niê Minh Mẫn bày tỏ, từ nhỏ đã được nghe ông và các bác đánh chiêng nên em rất thích, đến khi lớn lên em được tham gia học lớp truyền dạy cồng chiêng do xã tổ chức. Bây giờ em có thể đánh được các bài chiêng cơ bản và nhận biết được một số loại chiêng.

Ngoài việc lưu giữ chiêng, trên địa bàn xã cũng có nhiều nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ. Như nghệ nhân Y Xuân Niê, Y Puih Arul đã truyền dạy đánh chiêng cho nhiều lớp thế hệ trong các buôn làng với mong muốn lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, không bị lớp trẻ bỏ quên, phai nhạt giữa nhịp sống hiện đại.

Bộ chiêng quý của gia đình ông Y Krông Ayun (bìa phải) được gia đình nâng niu, gìn giữ.
Bộ chiêng quý của gia đình ông Y Krông Ayun (bìa phải) được gia đình nâng niu, gìn giữ.

Ông Phạm Ngọc Tiên, Chủ tịch UBND xã Cư Bao cho biết: “Cả 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã đều có đội cồng chiêng, các gia đình trong buôn lưu giữ được hàng chục bộ chiêng, trống và ghế kpan... Trong xã hiện có khá nhiều người biết đánh chiêng, trong đó có nhiều học sinh, thanh thiếu niên. Thời gian qua, chính quyền địa phương rất quan tâm, nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng như tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng; tuyên truyền, vận động người dân lưu giữ, không bán các bộ chiêng quý; đặc biệt, xã đã thành lập được một đội chiêng gồm những người cao tuổi và một đội chiêng trẻ để tham gia giao lưu, biểu diễn ở các lễ hội trong và ngoài địa phương”. Được biết, để lưu giữ văn hóa cồng chiêng, năm 2018, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp cho địa phương một bộ chiêng đồng gồm 7 chiếc.

Bà H’Xoan Niê và các cháu cẩn thận lưu giữ những bộ chiêng quý của gia đình.
Bà H’Xoan Niê và các cháu cẩn thận lưu giữ những bộ chiêng quý của gia đình.

Có thể nói, giá trị độc đáo của di sản văn hóa cồng chiêng đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại từ năm 2005. Trong bối cảnh cuộc sống nhộn nhịp, hội nhập như hiện nay thì việc cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Cư Bao ra sức bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng là việc làm ý nghĩa và hết sức cần thiết để nâng cao giá trị cồng chiêng,  góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc mình.

Dương Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.