Multimedia Đọc Báo in

Trẩy hội Xuân ở Krông Bông

18:59, 27/01/2020

Nằm dưới chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ, vào những ngày đầu năm mới, hầu hết các thôn đồng bào Hmông trên địa bàn huyện Krông Bông đều tổ chức lễ hội mừng xuân song quy mô và có sức hút hơn cả là Lễ hội mừng xuân tại xã Cư Pui.

Lễ hội được tổ chức định kỳ vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, quy tụ sắc màu văn hóa của cộng đồng người Hmông ở 3 xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm (huyện Krông Bông) và các địa phương lân cận như Cư San (huyện M’Đrắk), Vụ Bổn (huyện Krông Pắc)…

Tại ngày hội diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc của đồng bào như tung còn, thi chọi bò, chọi cù, xem múa khèn… Trò tung còn là một hình thức giao lưu, tìm hiểu giữa những chàng trai, cô gái chưa có gia đình. Các chàng trai, cô gái chia làm hai bên, quả còn được các cô gái tự may, thêu thùa những hình hoa văn nhiều màu sắc, bên trong bọc hạt ngô vừa đủ độ nặng, có tua dài. Hai bên vừa tung còn vừa hát những bài hát giao duyên, cuộc vui kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào lời của những bài hát, nếu lời hay có ý nghĩa sẽ là niềm cảm hứng để đôi trai gái tung hứng với nhau. Chính từ trò chơi này đã có nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ…

Trò chơi múa sạp của đồng bào Mường tại thôn 6, xã Hòa Sơn.
Trò chơi múa sạp của đồng bào Mường tại thôn 6, xã Hòa Sơn.

Hội thi chọi bò cũng không kém phần hấp dẫn. Để có được những chú bò khỏe tham gia vào “đấu trường”, người ta thường đi đến những vùng chuyên nuôi bò, chọn mua những con bò có thân mình thon chắc, chân cân đối, trán sần sùi và quan trọng nhất là đôi mắt sáng, cặp sừng to, dài, cong vừa và nhọn về nuôi. Nuôi bò chọi đòi hỏi nhiều công phu: thức ăn phải bảo đảm cân đối giữa chất thô và tinh bột, chuồng trại sạch sẽ và không được giao phối với bò cái, khoảng 2 tháng lại cho bò chọi thử một lần để rèn luyện kỹ thuật chọi. Những chú bò thắng cuộc sẽ không bị giết thịt mà được gia chủ, người dân trong thôn hết sức yêu thương, coi đó là một sự may mắn mang đến nhiều tài lộc cho con người trong năm mới. 

Sau khi trải nghiệm những trò chơi diễn ra tại lễ hội mừng xuân ở Cư Pui, du khách có thể vào thác Đắk Tuôr vui chơi, thưởng thức những ché rượu cần do chính người dân địa phương làm bằng men tự sản xuất, nguyên liệu lấy trong rừng, hoặc quay lại điểm du lịch thác Krông Kma nghỉ ngơi, được tiếng thác chảy rì rào vỗ về giấc ngủ, để ngày hôm sau mùng 7 tháng giêng đến thôn 6, xã Hòa Sơn dự lễ Khai hạ của đồng bào Mường.

Trong lễ Khai hạ, sau phần nghi lễ cúng cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng bội thu là phần hội với các trò chơi dân gian như: Kéo co, múa sạp, ném đúm, đâm bong bóng, đánh bóng chuyền… Thú vị nhất là trò chơi leo cột mỡ. Cây cột chống được bôi đầy mỡ và treo nhiều phần thưởng trên ngọn dành cho người chiến thắng. Các đội chơi phải tập trung lực lượng và sức khỏe khi tham gia vào trò chơi này. Trò chơi không mang ý nghĩa về mặt vật chất mà thể hiện rất nhiều tinh thần đồng đội cũng như ý chí quyết tâm giành chiến thắng…

Lễ hội ngày xuân ở Krông Bông ngoài việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, còn là dịp để người dân gặp gỡ, vui chơi, tạo nên một cộng đồng dân cư bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.