Multimedia Đọc Báo in

Thổi hồn cho mô hình nhà dài

18:55, 27/01/2020

Mong muốn nét đẹp truyền thống ngôi nhà dài của người Êđê được gìn giữ và phát triển, anh Y Jima Kbuôr (TP. Buôn Ma Thuột) đã sáng tạo ra mô hình ngôi nhà dài độc đáo.

Anh Y Jima (SN 1986) là người dân tộc Êđê, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà dài truyền thống nên anh có tình cảm đặc biệt gắn bó với chúng. Sau khi lập gia đình, anh Y Jima không có điều kiện ở trong nhà dài như trước đây. Bên cạnh đó, nhà dài bây giờ cũng hiếm, nhiều gia đình đã phá bỏ hoặc bán đi để xây nhà gạch.

Bởi vậy anh đã tập làm những chiếc nhà dài mô hình để thỏa nỗi nhớ mong, đồng thời để thế hệ trẻ như con, cháu anh biết đến ngôi nhà truyền thống của dân tộc. Những chiếc nhà dài anh làm có nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là y hệt những chiếc nhà dài truyền thống; từ chiếc cầu thang đến những vật dụng trang trí trong nhà như ghế Kpan, chiêng, bếp lửa, rìu, ché, chày, cối… Để làm ra sản phẩm như vậy, cần một quá trình học hỏi, rèn luyện rất chăm chỉ.

Anh Y Jima Kbuôr chỉnh sửa  các chi tiết của nhà dài.
Anh Y Jima Kbuôr chỉnh sửa các chi tiết của nhà dài.

Anh Y Jima cho biết, những chiếc nhà sàn đầu tiên anh làm chỉ na ná giống nhà sàn truyền thống nhưng không có điểm nhấn, có thể người xem nhìn thấy nó hay hay, nhưng với anh và những người gắn bó với nhà dài từ lâu rồi thì vẫn chưa đạt. Mong muốn làm ra một sản phẩm thể hiện được đặc trưng của người Êđê nói riêng và buôn làng Tây Nguyên nói chung chứ không đơn thuần chỉ là một sản phẩm trưng bày, anh đã tìm hiểu kỹ về văn hóa nhà dài từ những người lớn tuổi trong gia đình, trong buôn… từ những điều nhỏ nhất, cụ thể nhất, như bếp lửa, ghế Kpan có ý nghĩa gì, đặt ở đâu là phù hợp trong ngôi nhà; cầu thang có biểu tượng đôi bầu sữa, vầng trăng khuyết… là thể hiện điều gì, đặt bên trái hay bên phải… Những điều tưởng chừng như rất đơn giản đó nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi người làm phải có sự am hiểu để thể hiện được “cái hồn” của ngôi nhà.

Tiếp theo, dựa trên nhà dài thực tế, ngôi nhà mô hình được Y Jima tính toán kích thước sao cho phù hợp. Trước khi làm anh luôn phác thảo hình dáng, đưa ra những thông số cơ bản nhằm tạo ra những tác phẩm đạt tỷ lệ thích hợp, vừa đẹp, vừa bền chắc. Sau đó, chọn nguyên liệu để dựng, thông thường là tre, gỗ tạp tận dụng… Khó nhất trong quá trình làm là lắp ráp, rất nhiều chi tiết nhỏ nên đòi hỏi sự khéo tay để keo không bị lan ra ngoài. Những chi tiết nhỏ ở sâu bên trong thì phải dùng nhíp mới thực hiện được để chúng ăn khớp với nhau. Chính sự kỳ công này đã tạo nên tác phẩm “như thật” và vô cùng sống động. Một sản phẩm mô hình nhà dài, anh Y Jima làm mất khoảng một tháng từ khi lên ý tưởng đến bản vẽ và hoàn thành.

Các bạn trẻ với những mô hình nhà dài.
Các bạn trẻ với những mô hình nhà dài.

Ban đầu, sản phẩm độc đáo này được anh Y Jima làm để tặng người thân; sau đó nhiều người biết đến đều yêu thích và đặt làm. Mô hình nhà dài trở thành vật lưu niệm ý nghĩa không chỉ với du khách mà còn chính với người dân tộc Êđê. Anh Y Kapin H’đớk (chủ quán cà phê Ami Moza, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Khi thấy anh Y Jima làm mô hình nhà dài truyền thống, tôi đã đặt ngay một sản phẩm để trưng bày tại quán cà phê. Thật bất ngờ khi hầu hết những người đến uống cà phê, khách tham quan đều yêu thích mô hình này. Bởi dù nhỏ nhưng nó vẫn đầy đủ những vật dụng cần thiết, tôi có thể chia sẻ cho mọi người những giá trị văn hóa mà không tốn quá nhiều thời gian”.

Hiện nay, một số Việt kiều, đặc biệt là người Êđê xa xứ khi nhìn thấy sản phẩm của Y Jima chế tác cảm thấy rất thích thú và đặt hàng. Với họ, đó chính là “hồn quê” nơi đất khách. Còn với Jima, anh hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ bảo tồn văn hóa dân tộc theo cách riêng, như anh đã chọn cách làm mô hình nhà dài truyền thống.

Ánh Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.